Công an nhân dân (CAND) là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; giữ vai trò “nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kể từ khi ra đời cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng CAND vững mạnh, toàn diện, tạo tiền đề, điều kiện cơ bản, quan trọng để lực lượng CAND thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với vị trí, vai trò đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Công an của ta là CAND, vì Nhân dân mà phục vụ và dựa vào Nhân dân mà làm việc”, là “vũ khí sắc bén”, “là trụ cột của Đảng”.
Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, CAND Việt Nam ra đời. Tên gọi của những tổ chức Công an Việt Nam đầu tiên ở 3 miền là: Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Sở Trinh sát Trung Bộ và Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ.
Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NgĐ về tổ chức Việt Nam Công an Vụ, quy định tổ chức bộ máy của Công an có 3 cấp: Công an Việt Nam, Công an kỳ và Công an tỉnh.
Ngay sau khi ra đời, Công an Việt Nam đã bước ngay vào trận chiến đấu quyết liệt, một mất một còn với các kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc. Tổ chức các cuộc trấn áp các tổ chức phản cách mạng, phản động và bọn tội phạm hình sự, trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng vừa thành lập ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Tiêu biểu là thắng lợi của Công an Việt Nam trong vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu, kịp thời trấn áp, khám phá thành công và đưa ra ánh sáng âm mưu nham hiểm của bọn phản động Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ dự định tổ chức vào ngày 14/7/1946.
Ở vùng địch hậu, cuộc chiến đấu của lực lượng CAND không kém phần quyết liệt, những chiến công diệt tề, trừ gian ngay trong lòng địch đã góp phần làm tan rã bộ máy của ngụy quyền tay sai, làm thất bại chính sách “dùng người Việt trị người Việt” của thực dân Pháp, trong đó phải kể đến gương chiến đấu hy sinh của các đồng chí: Bùi Thị Cúc, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Lợi. Đặc biệt, lực lượng CAND đã góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau. Lực lượng CAND đã chủ động tích cực trên các mặt công tác và chiến đấu lập nên những chiến công xuất sắc trên cả chiến trường miền Nam và bảo vệ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Tại miền Bắc, lực lượng CAND đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh phong phú, phát động rộng rãi, mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng ngừa, phát hiện và dập tắt kịp thời các tổ chức gián điệp cài lại, phát hiện, bắt giữ hàng trăm toán gồm hàng ngàn tên gián điệp biệt kích và trấn áp kịp thời các tổ chức phản động nhen nhóm; làm thất bại chiến tranh tâm lý, chiến tranh phá hoại của địch…
Trên chiến trường miền Nam, trong quá trình chiến đấu các lực lượng An ninh miền Nam đã phát huy cao độ tinh thần chủ động, tích cực, tự chủ, tự cường dựa chắc vào quần chúng nhân dân, phối hợp chặt chẽ với phong trào quần chúng và các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam liên tục tiến công địch trên khắp các mặt trận cả vùng rừng núi, nông thôn và đô thị; tổ chức diệt ác, phá kìm, phá các khu dồn dân, lập ấp chiến lược, đập tan các kế hoạch lập ấp chiến lược, càn quét “tìm diệt, bình định” của địch… Đặc biệt, lực lượng An ninh miền Nam cùng quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công và đánh thắng địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày 30/4/1975, đất nước được thống nhất cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội, lực lượng CAND cả nước thống nhất và tiếp tục bước vào trận chiến đấu mới, không kém phần gian khổ, hy sinh và đầy khó khăn, phức tạp. Phát huy truyền thống vẻ vang, và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, CAND đã nhanh chóng thống nhất về tổ chức, tăng cường biên chế và củng cố về mọi mặt, triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác công an trong phạm vi cả nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị mới do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân và các cấp, các ngành, lực lượng CAND đã tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng, tổ chức quản lý, cải tạo binh lính, nhân viên của chế độ cũ, truy quét tàn quân địch… Chiến công điển hình, có ý nghĩa chính trị – xã hội rất to lớn của lực lượng CAND thời kỳ này là thành công của chuyên án KHCM 12, đập tan hoàn toàn âm mưu và hoạt động của tổ chức phản cách mạng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu, được các thế lực thù địch, phản động quốc tế hỗ trợ và tiếp sức hòng lật đổ chính quyền Nhân dân…
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Công an các tỉnh Tây Nguyên triển khai Chỉ thị 04 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO ở Tây Z và Nam Khu V cũ, năm 1978
Lực lượng Công an thu giữ vũ khí, tiền giả do tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” đưa vào Việt Nam, năm 1981
Giai đoạn 1986 đến nay: Sau hơn 35 năm đổi mới, lực lượng CAND luôn chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ; thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Chính phủ về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, các chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam với các nước lớn, các địa bàn chiến lược, ứng xử linh hoạt trước các sự kiện trong quan hệ đối ngoại và phòng, chống dịch Covid-19. Bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng, các mục tiêu, công trình trọng điểm. Nhanh chóng cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo đảm an ninh, trật tự.
Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia dân tộc từ sớm, từ xa. Triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các mặt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh trong dân tộc, tôn giáo, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh mạng… Công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội.
Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, quản lý cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thi hành án hình sự và thi hành tạm giữ, tạm giam; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… Hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia. Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm tốt công tác dân vận. Tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. “Gương mẫu đi đầu” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành và quyết liệt triển khai Nghị quyết số 22 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, tập trung triển khai bố trí cán bộ ở cả 4 cấp Công an theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”…
Thúc đẩy hợp tác quốc tế trên tất cả mọi mặt
Thành lập Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và cử cán bộ đi thực hiện nhiệm vụ giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19 tháng 8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 về việc lấy ngày 19 tháng 8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội đã tập trung tuyên truyền, giáo dục giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tạo chuyển biến mới về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại địa bàn cơ sở, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước.
Trong giai đoạn mới, thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế của thế giới, cách mạng khoa học – công nghệ ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, chạy đua vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động ly khai, khủng bố, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ… đang có xu hướng gia tăng, là thách thức lớn đối với môi trường hòa bình, ổn định và an ninh của thế giới, khu vực. Những yếu tố an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, như an ninh mạng, năng lượng, lương thực, tranh chấp nguồn nước, an ninh tài chính, hàng hải, hàng không, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… diễn biến ngày càng phức tạp và gay gắt hơn. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, đất nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức không nhỏ, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiếp tục bộc lộ rõ nét hơn. An ninh mạng, an ninh kinh tế, tài chính, an ninh trong tôn giáo, dân tộc, an ninh các vùng chiến lược còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm có xu hướng gia tăng, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng “vũ khí nóng”, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm môi trường… Tai nạn giao thông, cháy, nổ, tệ nạn xã hội… tiếp tục là những vấn đề mà CAND cần tập trung giải quyết trong thời gian tới…
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự rất nặng nề, khó khăn mà Đảng và Nhân dân giao phó, đòi hỏi CAND cần phải không ngừng phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang; tiếp tục đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng các mặt công tác công an; tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, đảm bảo yêu cầu “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” theo Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 6/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ” và các phong trào thi đua yêu nước khác. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu, cầu nhiệm vụ trong tình hình mới trong toàn lực lượng…
Gắn bó với Nhân dân, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân, với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CAND Việt Nam đã thể hiện sâu sắc, sinh động lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc và Nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần sâu sắc và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh “thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của Nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”…
Với những chiến công, thành tích đã đạt được, lực lượng CAND Việt Nam luôn tự hào với truyền thống 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nguyện viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng trong thời kỳ mới!
*Ảnh trong bài được sử dụng từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an