Thành phố Cần Thơ là một trong những đơn vị được đánh giá cao trong triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), đặt biệt là trong thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác PCCC (Chỉ thị số 47) và Nghị định số 83/2017/NÐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC (Nghị định số 83). Từ năm 2015 đến nay, số vụ cháy, nổ, vi phạm về an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn được kéo giảm. Công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH ngày càng được hoàn thiện và tăng cường, lực lượng PCCC&CNCH không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…
Thành phố hiện có 17.132 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, với 1.616 cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ theo Nghị định 136/2020/NÐ-CP; trên 120 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; có cảng, sân bay quốc tế, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới… Thành ủy, HÐND, UBND TP Cần Thơ luôn tăng cường chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC&CNCH; lập quy hoạch hạ tầng… nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho công tác PCCC&CNCH trên địa bàn.
Các lực lượng, phương tiện của Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Thành phố Cần Thơ tham gia thực tập phương án CC&CNCH ở Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ.
Sau hồi còi báo động ở Bệnh viện Ða khoa Hòa Hảo – Medic Cần Thơ vang lên, Thiếu tá Cao Hoài Sơn, Phó Ðội trưởng Ðội Chữa cháy (CC) và CNCH khu vực trung tâm, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Thành phố Cần Thơ, đã có mặt cùng đồng đội, khẩn trương thực tập phương án CC và CNCH. “Những buổi thực tập không những giúp lực lượng PCCC ở cơ sở có thêm kiến thức, kỹ năng mà còn giúp chúng tôi rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật trong thực hiện nhiệm vụ. Hằng ngày, chúng tôi đều tập luyện, kiểm tra các trang thiết bị PCCC” – anh Sơn cho biết.
Trong 17 năm công tác, Thiếu tá Sơn luôn có mặt ở những điểm cháy, nổ khi nhận được lệnh của lãnh đạo. Ðã 5 năm trôi qua nhưng anh vẫn không quên vụ cháy ở Công ty TNHH Kwong Lung – Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy). Ðây là vụ cháy lớn, gây thiệt hại hơn 368 tỉ đồng. Khi vụ cháy xảy ra, anh Sơn và đồng đội đã có mặt để CC và CNCH. Ðến 5 ngày sau đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn vì sự phức tạp trong kết cấu kiến trúc của Công ty. “Các gian phòng đều được ngăn cách bởi vách ngăn, tường đặc nên chúng tôi phun nước vào bên trong đều bị các bức tường chặn lại. Cuối cùng, phải tiến hành di chuyển lên tầng trên để phun nước CC” – anh Sơn nhớ lại.
Từ thực tế công tác, năm 2018, Thiếu tá Sơn và đồng đội thực hiện sáng kiến “Khóa mở trụ nước CC đa năng”. Qua đó, kết hợp 5 loại khóa thành 1, để mở khóa trụ nước nhanh, kịp thời truyền kíp nước cho xe CC khi thực tập và dập tắt các đám cháy. Sáng kiến đã đạt giải Nhì của Hội thi sáng tạo Kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ 11 (2020-2021).
Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, đoàn kết, là lực lượng chủ công, nòng cốt trên mặt trận phòng, chống “giặc lửa” là nhiệm vụ trọng tâm của Ðảng ủy, Ban Giám đốc Công an Thành phố Cần Thơ. Hiện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH có 8 đội, trong đó có 4 đội nghiệp vụ, 3 đội CC và CNCH khu vực và 1 đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông. Ngoài ra, có 9 Ðội Cảnh sát PCCC và CNCH tại 9 quận, huyện, thực hiện tốt công tác thường trực chiến đấu, kịp thời xử lý các vụ tai nạn, sự cố, cháy nổ ngay tại cơ sở, khi mới phát sinh. Ðã có hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ tham gia tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, công tác khám nghiệm hiện trường, tập huấn chuyên sâu công tác chỉ huy CC, CNCH, tham gia học tập kinh nghiệm công tác PCCC&CNCH trong và ngoài nước…
Theo lãnh đạo Công an Thành phố Cần Thơ, Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, UBND thành phố luôn quan tâm đầu tư mua sắm, trang cấp cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố nhiều phương tiện chuyên dùng hiện đại, như xe thang 52m, xe CC công nghệ CAFS (CC hiệu quả xăng, dầu, gas), xe CC và CNCH các loại,… trong đó có xe CNCH dưới nước vừa được đầu tư cùng nhiều tàu, ca-nô chuyên dụng phục vụ CC, CNCH dưới nước… Gần đây, UBND Thành phố Cần Thơ có quyết định mua sắm, trang cấp cho Công an thành phố 9 xe CC, 9 xe chở phương tiện và 9 máy bơm CC. Trong năm 2021, đơn vị được phê duyệt quản lý 3 dự án đầu tư về xây dựng doanh trại, trụ sở làm việc, trang cấp phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH với tổng mức đầu tư trên 117 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương… Tại Hội thi Thể thao nghiệp vụ CNCH toàn quốc lần thứ II – Vòng loại Cụm thi số 8 (diễn ra tại Thành phố Cần Thơ) tổ chức vào cuối tháng 5-2022, Công an Thành phố Cần Thơ gây ấn tượng bởi nhiều trang thiết bị hiện đại cũng như sự chuyên nghiệp của cán bộ, chiến sĩ ở các vòng thi đấu và đã xuất sắc đoạt giải Nhất toàn đoàn.
Hiện nay, mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình PCCC được quy hoạch, bố trí thành lập đồng bộ từ thành phố đến quận, huyện. Hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ công tác CC và CNCH được đầu tư thi công, nâng cấp. Ðồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, cho biết: “Thành ủy, UBND thành phố tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện công tác PCCC&CNCH với phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Các cấp, các ngành và người dân đã nâng cao ý thức trách nhiệm, quan tâm đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, đáp ứng tốt công tác PCCC&CNCH. Nhiều vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn được xử lý kịp thời, kiềm chế, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế – xã hội thành phố”.
Cơ sở kinh doanh của chị Võ Thị Ngọc Châu ở phường Tân An, quận Ninh Kiều, được trang bị bình CC, phương tiện CC nghiêm túc. Chị Châu cho biết: “Qua xem các cẩm nang do chính quyền địa phương cấp phát, tôi nắm rõ các biện pháp ứng phó khi có cháy”.
Trong thực hiện Chỉ thị số 47, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, đóng góp ý kiến 17 văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư có liên quan đến công tác PCCC&CNCH; đồng thời triển khai các giải pháp thực hiện nghiêm quy định pháp luật liên quan. Chính sách thể chế, chính sách pháp luật trên địa bàn thành phố cũng được hoàn thiện, kịp thời phổ biến, tuyên truyền, tổ chức, thực hiện có hiệu quả; tạo thuận lợi trong công tác phối hợp, nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an Thành phố Cần Thơ tham mưu lãnh đạo thành phố tổ chức sơ kết, tổng kết các chuyên đề, ban hành các văn bản chỉ đạo quan trọng về công tác này. Nổi bật là Quyết định số 15/QÐ-UBND ngày 25-11-2020 quy định về điều kiện an toàn PCCC&CNCH đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư, khắc phục một bước những sơ hở, thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ tại khu dân cư, do UBND thành phố ban hành, sớm hơn so với các địa phương khác trong cả nước… Hầu hết các công trình xây dựng lớn, có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa các giải pháp PCCC vào ngay từ khi thiết kế và thực hiện nghiêm công tác thẩm duyệt về PCCC. Công tác kiểm tra, giám sát hướng dẫn các biện pháp an toàn được thực hiện nghiêm túc. Trung bình mỗi năm đã phát hiện và yêu cầu khắc phục, loại trừ hàng ngàn vi phạm, thiếu sót có thể dẫn đến cháy, nổ. Giữa năm 2020 đến nay kiểm tra PCCC 27 chuyên đề về khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC đưa vào hoạt động trước ngày Luật PCCC 2001 có hiệu lực.
Theo Kiều Chinh (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)