Hiện nay đã bước vào thời điểm khí hậu hanh khô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Để bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, các lực lượng chức năng và các địa phương tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng.
Lực lượng chức năng xã Đồng Sơn (TP Hạ Long) diễn tập sử dụng thiết bị dập lửa khi có cháy rừng.
Toàn tỉnh hiện có gần 430.000ha rừng, gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong đó, có trên 250.000ha rừng dễ cháy, chủ yếu là rừng trồng thông, bạch đàn, keo và rừng hỗn giao tre, nứa. Đây là những loại cây có đặc tính dễ bắt lửa, tốc độ cháy lan nhanh, khó chữa nếu cháy xảy ra trên diện rộng, nhất là vào thời điểm thời tiết hanh khô.
Để công tác bảo vệ rừng hiệu quả, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đều xây dựng kế hoạch tăng cường bảo vệ rừng, trong đó đảm bảo công tác phòng, chống cháy rừng; triển khai hiệu quả phương án 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần tại chỗ) khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời, thành lập các đội nghiệp vụ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, canh gác lửa rừng, phát hiện sớm nguy cơ cháy và có phương án hiệp đồng cùng các lực lượng để chữa cháy; ký cam kết trong việc phát thực bì an toàn, đúng quy trình đối với các chủ rừng sản xuất, đặc biệt là các chủ rừng nhỏ lẻ.
Đơn cử như tại TP Hạ Long hiện có trên 80.000ha đất có rừng, tập trung nhiều tại các xã Thống Nhất, Sơn Dương, Kỳ Thượng… trong đó diện tích rừng, đất rừng sản xuất là trên 40.000ha, đất rừng phòng hộ gần 20.000ha, và đất rừng đặc dụng là hơn 20.000ha. Ở tất cả các xã, phường có rừng, Hạt kiểm lâm thành phố đã bố trí lực lượng cán bộ chuyên trách từng địa bàn, thông qua các buổi tuần tra, kiểm soát, cán bộ kiểm lâm đã thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền về trách nhiệm PCCC rừng, và thực hiện ký cam kết từng hộ dân để mở rộng đối tượng được tuyên truyền. Qua đó, giúp các chủ hộ trồng rừng thêm những kiến thức và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc PCCC rừng, ứng phó kịp thời với những tình huống có thể xảy ra.
Là một trong những hộ nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng từ nhiều năm qua, ông Triệu Quý Tài, thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long thường xuyên tiến hành kiểm tra, chủ động phát hiện các hành vi xâm hại đất và nguy cơ gây cháy rừng. Ông Tài cho biết: Gia đình tôi hiện có hơn 9ha trồng rừng sản xuất, đối với những tháng hanh khô nguy cơ cháy rừng là rất cao nên gia đình cũng thường xuyên tuần rừng, ngăn chặn người dân sử dụng lửa trong những khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, theo dõi kỹ các điểm có nguy cơ cháy cao để thông báo ngay cho lực lượng kiểm lâm nếu xảy ra cháy rừng nhằm xử lý kịp thời.
Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, trong năm 2022, 13/13 địa phương trong tỉnh đều đã tổ chức diễn tập chữa cháy rừng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức cũng như hành động của các cấp, ngành và nhân dân về công tác phòng, chống cháy rừng; đồng thời, nắm vững và củng cố những kiến thức cơ bản để vận dụng, xử lý các tình huống chữa cháy rừng. Đây cũng là điều kiện để nâng cao công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng cho các cơ quan, đơn vị và hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô năm 2022-2023. Trong đó, tập trung vào các biện pháp: Chỉ đạo Ban chỉ huy PCCC rừng cấp huyện tăng cường kiểm tra đôn đốc các chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCC; bố trí lực lượng canh phòng trực 10/24 giờ trong ngày đối với dự báo cháy rừng ở cấp III; 12/24 giờ đối với dự báo cháy rừng ở cấp IV; 24/24 giờ đối với dự báo cháy rừng ở cấp V; kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao (đặc biệt chú trọng trong các giờ cao điểm). Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ rừng, các đối tượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng thực hiện ngay các biện pháp vệ sinh, xử lý thực bì giảm vật liệu cháy đảm bảo các quy định về phòng cháy rừng; xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, người nhận khoán trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, thông báo cấp dự báo cháy rừng, khi xảy ra cháy rừng phải kịp thời triển khai các phương án chữa cháy để hạn chế thấp nhất thiệt hại…
Theo Nguyễn Thanh (Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh)