web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Một số giải pháp bảo đảm an toàn khi thoát nạn từ nhà cao tầng, siêu cao tầng

Trong những năm gần đây, ở các thành phố lớn của các nước trên thế giới có tốc độ phát triển rất nhanh về xây dựng các nhà cao tầng. Theo thống kê ở Việt Nam có khoảng 3.128 tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng đã và đang đưa vào hoạt động với nhiều loại hình đa dạng như: chung cư, văn phòng, khách sạn, nhà trẻ, lớp học, trung tâm thương mại, gara…

Những tòa nhà này ngoài nhiều tầng, có nhiều công năng kết hợp, còn tồn tại khối lượng chất cháy lớn và đa dạng, kèm theo đó thường xuyên tập trung đông người nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), vì vậy việc đảm bảo an toàn cho người đặc biệt là đảm bảo an toàn thoát nạn trong quá trình cháy của người đã và đang là yêu cầu hết sức cấp thiết, cần phải có các biện pháp, giải pháp để hạn chế tối đa các nguy hiểm do cháy, nổ gây ra.

Đặc điểm nguy hiểm cháy nhà cao tầng

– Số lượng người đông, với độ tuổi khác nhau, tình trạng sức khoẻ, tình trạng cơ thể khác nhau (phụ nữ mang thai, người khuyết tật, người cao tuổi…), sẽ có nhiều khó khăn phức tạp trong việc thoát nạn, cứu nạn từ các tầng cao xuống mặt đất, trong đó đặc biệt là đối với người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật, phụ nữ mang thai;

– Tập trung nhiều chất cháy có tính nguy hiểm cháy cao là hàng hóa tiêu dùng gia dụng, vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí, nhất là ở khu vực trung tâm thương mại; bên cạnh đó còn có các phòng chiếu phim, biểu diễn ca nhạc, sân khấu, nhà hàng… khi xảy ra cháy có thể sinh ra nhiệt độ cao và nhiều sản phẩm cháy độc hại, đe doạ tính mạng con người trong các khu vực đó. Ngoài ra đối với những toà nhà có các tầng hầm và tầng nửa hầm, thường bố trí gara để xe, trạm biến áp, trạm máy phát điện diesel… Tại các khu vực này, khi có cháy xảy ra thì đám cháy phát triển nhanh, tạo ra nhiều sản phẩm cháy độc hại và lan truyền nhanh lên các tầng nổi phía trên qua các chỗ hở thông tầng, cầu thang hở, giếng kỹ thuật… gây nguy hiểm cho người sử dụng;

– Trong các toà nhà này có hệ thống giao thông như hành lang, cầu thang, các trục kỹ thuật thông tầng… nếu không đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng cháy, bảo vệ chịu lửa và chống cháy, có thể trở thành các kênh dẫn khói và sản phẩm cháy độc hại đe doạ tính mạng con người bên trong đó.

– Công tác cứu nạn cứu hộ đối với nhà cao tầng gặp rất nhiều khó khăn như xác định phát hiện, định vị được các khu vực có cháy, quy mô đám cháy và những nơi có các yếu tố nguy hiểm của sự cháy (nhiệt độ cao, nhiều khói khí độc…), khó khăn trong công tác xác định vị trí người mắc kẹt trong đám cháy.

– Khả năng kết nối giữa lực lượng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ bên trong nhà với chỉ huy bên ngoài bị giảm, làm suy giảm khả năng chỉ huy, ứng cứu, cung cấp phương tiện cần thiết cho quá trình chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Đặc điểm quá trình thoát nạn của người trong nhà cao tầng

Thực tế các vụ cháy nhà cao tầng ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy mức độ nguy hiểm cháy, diễn biến phức tạp của đám cháy đã gây ra những khó khăn cho con người trong quá trình thoát nạn và lực lượng chữa cháy trong quá trình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thậm chí đe doạ đến tính mạng con người. Điển hình là vụ cháy chung cư 24 tầng Grenfell ngày 14/6/2017 ở London – Vương quốc Anh làm chết 71 người (hình 1); vụ cháy ngày 23/3/2018 tại chung cư Carina Plaza ở Quận 8 TP Hồ Chí Minh làm 13 người chết; vụ cháy ngày 26/3/2018 tại Trung tâm thương mại Winter Cherry, tỉnh Kemerovo, vùng Siberia làm 64 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em… đã cho thấy tính chất nguy hiểm và diễn biến phức tạp của đám cháy khi xảy ra cháy trong nhà cao tầng và siêu cao tầng.

 

Hình 1: Vụ cháy chung cư 24 tầng Grenfell ngày 14/6/2017 ở London

 

Thoát nạn là quá trình tự di chuyển có tổ chức của người từ các gian phòng, nơi các yếu tố nguy hiểm của đám cháy có thể tác động lên họ ra nơi an toàn. Thoát nạn còn là sự di chuyển không tự chủ của nhóm người ít có khả năng vận động do các nhân viên phục vụ hỗ trợ thực hiện. Thoát nạn được thực hiện theo các đường thoát nạn qua các lối ra thoát nạn. Như vậy quá trình thoát nạn có thực hiện được hay không được phụ thuộc bởi những người có mặt trong công trình khi có cháy. Khi đám cháy xuất hiện nhiều mối đe doạ trực tiếp và nguy hiểm đối với sức khoẻ và tính mạng con người. Các yếu tố nguy hiểm cháy ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người bao gồm:

– Gia tăng nhiệt độ môi trường đám cháy, bức xạ nhiệt;

– Khói kèm các khí độc (CO, CO2, HCl, HCN…) và nhiệt độ cao;

– Mất tầm nhìn do đường thoát nạn bị nhiễm khói;

– Giảm nồng độ ôxy trong môi trường đám cháy;

Trong cộng đồng không phải ai cũng đã trực tiếp chứng kiến sự nguy hiểm của đám cháy cũng như có kinh nghiệm thoát nạn từ đám cháy, tuy nhiên về bản năng phần lớn mọi người đều có phản xạ muốn bảo toàn tính mạng và sức khoẻ khi gặp sự cố cháy, nổ. Bởi vậy khi nhận được thông tin về cháy, quá trình thoát nạn của từng người hoặc cả nhóm người sẽ mang tính đồng thời và có hướng chuyển động rõ rệt từ trong ra ngoài. Nếu các lối và đường thoát nạn trong các toà nhà hẹp khả năng lưu thông hạn chế sẽ tạo nên mật độ dòng người lớn trên đường thoát nạn và các lối ra (có thể đạt 10-12 người/m2) (hình 2, hình 3).

 

Hình 2: Mô phỏng quá trình thoát nạn của người tại các gian phòng

 

Tại những chỗ có mật độ dòng người cao có thể xuất hiện sự chen lấn, xô đẩy của những người thoát nạn, làm giảm tốc độ chuyển động của dòng người, đồng thời con người không thể đi theo hướng mình muốn mà bị cuốn theo cả dòng người. Trong quá trình thoát nạn, thực tế có một mâu thuẫn rằng khi mọi người càng muốn rời khỏi phòng hoặc nhà bị cháy nhanh bao nhiêu thì thời gian để làm được việc đó cũng càng kéo dài thêm. Mặc dù có thể những người bị nạn ý thức được điều đó, nhưng do tâm lý lo sợ, bất chấp tất cả để chạy nên càng khiến sự ùn tắc tăng lên. Sự chênh lệch về tốc độ chuyển động ở những ngã rẽ, trên cầu thang bộ có thể gây ra hiện tượng xô ngã đổ dòng người.

 

Hình 3: Hình ảnh thoát nạn của trẻ em

 

Một trong các vấn đề chính đối với việc thoát nạn trong nhà cao tầng là sự di chuyển đồng thời của con người ở tất cả các tầng vào cầu thang bộ trong một vài phút và hình thành mật độ dòng người tối đa. Với mật độ này, tốc độ di chuyển của con người bị hạn chế dẫn tới thời gian thoát nạn kéo dài. Mật độ dòng người lớn dẫn đến việc ngạt khí, hỗn loạn chen lấn nhau làm quá trình thoát nạn càng khó khăn (hình 4).

 

Hình 4. Mật độ dòng người lớn nhất trong khoảng thời gian thoát nạn

 

Bên cạnh đó, một đặc điểm khác nữa của chuyển động khi thoát nạn cần phải hết sức lưu ý, đó là khi con người chuyển động trong điều kiện không thuận lợi, bị cản trở và ùn tắc, bị các yếu tố nguy hiểm cháy tác động, có khả năng xuất hiện một hiện tượng hết sức nguy hiểm trong dòng người là: sự hoảng loạn. Nếu hoảng loạn xảy ra có thể dẫn đến sự dẫm đạp lên nhau để tìm cách thoát thân, khi đó thiệt hại về người có thể không lường trước được.

Trạng thái sợ hãi của từng người hoặc của cả đám đông trong đám cháy sẽ làm tăng thêm mối nguy hiểm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn những người thoát nạn khi cháy xảy ra tới 90 % có khả năng tự đánh giá đúng tình thế và đưa ra quyết định hợp lý nhưng vì sợ hãi và gây nên sợ hãi lẫn nhau nên có thể xuất hiện sự hoảng loạn trong đám đông. Ngoài ra, trong đám đông thường có khoảng 10% đến 20% có biểu thị tâm lý rối loạn, gây ảnh hưởng xấu tới những người còn lại. Qua khảo sát thực tế, trong nhóm người thoát nạn có khoảng 3% người khuyết tật, 9% ở lứa tuổi vị thành niên, 4% trẻ em dưới 5 tuổi, 10% số người do sử dụng thuốc điều trị thường xuyên có phản ứng chậm không đủ khả năng chuyển động và rất dễ bị sốc. Trong nhóm người nêu trên có đến 26% số người không thể chuyển động so với tốc độ trung bình khi thoát nạn, dẫn đến kìm hãm sự chuyển động, bị ngã, thậm chí làm gián đoạn chuyển động, tăng khả năng gây hoảng loạn.

Một số giải pháp đảm bảo an toàn thoát nạn cho người trong nhà cao tầng và siêu cao tầng

Để đảm bảo an toàn thoát nạn của người khi xảy ra cháy, đặc biệt là ngăn ngừa hiện tượng hoảng loạn trong đám đông trong nhà cao tầng và siêu cao tầng cần thực hiện một số giải pháp như sau:

– Khi thiết kế nhà cao tầng, siêu cao tầng cần đảm bảo thực hiện đúng các yêu cầu, giải pháp về kết cấu và quy hoạch đối với khả năng chịu lửa của nhà, ngăn chặn cháy lan, lối thoát nạn, đường thoát nạn, cầu thang bộ thoát nạn, tầng ngăn cháy, gian lánh nạn theo QCVN 06:2020/BXD; QCVN 04:2019/BXD; TCVN 6160:1996 và các quy định khác có liên quan;

– Hiện nay, đối với loại hình công trình nhà cao tầng trên 150m chưa có các quy định về PCCC tại các văn bản, quy chuẩn tiêu chuẩn hiện hành. Do vậy, trong quá trình thiết kế, các đơn vị tư vấn thiết kế và cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu các quy định của tiêu chuẩn nước ngoài, đồng thời nghiên cứu thực tiễn các vụ cháy để đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn về PCCC cho phù hợp, ví dụ bố trí bãi đỗ trực thăng phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, gia tăng giới hạn chịu lửa của các cấu kiện tham gia vào ổn định kết cấu của tòa nhà, tăng cường các hệ thống cảnh báo cháy nhanh, hệ thống chữa cháy, bổ sung thang máy chữa cháy…

– Có các giải pháp hỗ trợ thoát nạn như chiếu sáng, thoát khói hành lang, tăng áp buồng thang bộ; thiết kế và lắp đặt các đèn chỉ dẫn thoát nạn, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn trên các đường thoát nạn trong toà nhà;

– Chuẩn bị sẵn sàng phương án thoát nạn và các biện pháp tác động tâm lý đối với các cơ sở có tập trung đông người do cơ sở lập ra, tổ chức diễn tập định kì theo kế hoạch, đặc biệt lưu ý hỗ trợ thoát nạn cho những người yếu thế (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người bệnh, người khuyết tật);

– Trong quá trình hoạt động, vận hành sử dụng, cơ sở phải thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, đảm bảo hạn chế tối đa khả năng xuất hiện sự cháy, nổ tại cơ sở đối với những gian phòng có nguy hiểm cháy, nổ. Thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra về an toàn PCCC tại cơ sở và phối hợp với cán bộ kiểm tra về PCCC khi có kế hoạch, đặc biệt phát hiện và loại bỏ các vật cản trên lối, đường thoát nạn; kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế các thiết bị chiếu sáng sự cố, hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, đèn exit, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn…, duy trì mối liên hệ với người cần thoát nạn bằng hệ thống thông tin liên lạc;

– Bổ sung trang thiết bị, phương tiện kết nối tại các khu vực có nguy cơ cháy, nổ với hệ thống báo cháy, hệ thống hỗ trợ hoạt động thoát nạn và cứu nạn, cứu hộ được lắp đặt bên trong tòa nhà để truy cập những thông tin cần thiết từ hệ thống, qua đó có các biện pháp xử lý nghiệp vụ thích hợp, đồng thời phát hiện và định vị được các khu vực có người mắc kẹt để cung cấp thông tin hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong quá trình tổ chức cứu nạn, cứu hộ;

– Người dân cần tuân thủ theo các hướng dẫn về kỹ năng thoát nạn từ các cơ quan chuyên môn về PCCC&CNCH. Đối với việc sử dụng các phương tiện tự cứu được trang bị trong nhà như thang dây, dây thả chậm qua ban công …thì các phương tiện này phải được kiểm định bởi các cơ quan có chức năng, đồng thời việc sử dụng các phương tiện này phải được hướng dẫn từ các cơ quan chuyên môn về PCCC&CNCH. Việc vội vã sử dụng trong khi chưa được tập huấn, hướng dẫn rất dễ dẫn đến nguy hiểm tính mạng./.

Theo Thanh Tùng (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)