Với tinh thần “Rà nhanh, kiểm kỹ, không bỏ sót bất cứ cơ sở nào có nguy cơ về phòng cháy chữa cháy”, cán bộ, chiến sĩ Công an Thành phố (CATP) Hà Nội đang nỗ lực ngày, đêm chạy đua trong cao điểm tổng kiểm tra rà soát về an toàn PCCC&CNCH.
CATP Hà Nội triển khai chiến dịch 60 ngày đêm tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH.
Cơ hội lớn để rà soát, khắc phục tồn tại
Từ ngày 15/10 đến 15/12/2022, CATP Hà Nội và các cơ quan chức năng của thành phố bắt tay vào “chiến dịch” 60 ngày, đêm cao điểm tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố. Ngoài lực lượng chuyên môn, Cảnh sát khu vực và nhiều đơn vị khác cũng dồn sức thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng tập trung vào “chiến dịch” đặc biệt quan trọng này.
Kế hoạch cao điểm thực hiện kiểm tra đột xuất và định kỳ đối với tất cả những cơ sở đã kiểm tra. Đối với cơ sở đã kiểm tra định kỳ thì phúc tra để xem việc khắc phục các tồn tại đến đâu; kiểm tra thiết bị, phương tiện, công tác sẵn sàng chiến đấu. Đại tá Dương Đức Hải – Phó Giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh: “Chiến dịch rà soát, tổng kiểm tra này vừa để các đơn vị tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác PCCC&CNCH, vừa là căn cứ để đánh giá, xem xét trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó là kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH. Qua kiểm tra, rà soát để nắm chắc tình hình, đánh giá đúng thực trạng về PCCC&CNCH đối với cơ sở, kịp thời phát hiện xử lý hành vi vi phạm về PCCC&CNCH, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo đúng quy định. Từ đó ngăn chặn, đẩy lùi các vụ cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chấm dứt tình trạng cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC&CNCH; chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn hoạt động và vẫn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT”.
Cách làm của Hà Nội là lập danh sách cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và các cơ sở còn lại theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện. Trong 2 tháng cao điểm và sau đó, cơ quan chức năng tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có nguy cơ cháy nổ cao, các loại hình khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất… phân định rõ vùng “đỏ, vàng, xanh” về an toàn PCCC. “Địa bàn nào để sót lọt những tồn tại của cơ sở vi phạm về PCCC&CNCH thì phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, khi đã chỉ ra tồn tại thì phải có giải pháp, hướng khắc phục để đảm bảo an toàn cho người dân chứ không phải rà soát để đấy hoặc phạt cho tồn tại” – Đại tá Dương Đức Hải nêu rõ.
Đại tá Dương Đức Hải – Phó Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị triển khai tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố
Kiện toàn lực lượng chữa cháy tại chỗ
Để hạn chế hỏa hoạn xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản, Ban Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu các đơn vị bám sát tình hình thực tiễn, địa bàn cùng với kết hợp tổng kiểm tra, rà soát; yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân về PCCC&CNCH. Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn, củng cố lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC&CNCH tại khu dân cư, cơ sở, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm thực chất, hiệu quả.
PCCC&CNCH là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn dân, do đó cần sự huy động sức mạnh tổng hợp vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, chức năng và nhân dân. Cụ thể hóa nhiệm vụ, công an các quận, huyện, thị xã đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở ban hành các văn bản, chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ tổng kiểm tra, rà soát và chỉ cho phép các cơ sở hoạt động trở lại khi đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Thượng tá Nguyễn Văn Dũng – Phó trưởng Công an huyện (CAH) Quốc Oai cho biết: “Để công tác rà soát đạt hiệu quả, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng dân phòng, đội PCCC cơ sở. UBND huyện và CAH Quốc Oai đã nhanh chóng triển khai mô hình camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự, giám sát thực hiện công tác chấp hành an toàn PCCC ngay tại cơ sở. Điển hình tại xã Phú Cát đã ra mắt Ban Điều hành mô hình tại các thôn gồm 20 người và lắp đặt được 30 camera khu vực chợ và các đầu mối giao thông… Từ đó giúp tăng cường công tác giữ gìn an ninh trật tự, PCCC, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn xã”.
Đoàn công tác Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, CATP Hà Nội kiểm tra thực tế việc triển khai trong lĩnh vực PCCC tại quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng
Ông Trương Văn Học – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: “Trên địa bàn huyện có 5.884 cơ sở cần rà soát về an toàn phòng chống cháy nổ, trong đó có 604 cơ sở do CAH quản lý và 5.280 cơ sở do UBND cấp xã quản lý. Huyện Gia Lâm đã hoàn thành việc bàn giao UBND cấp xã các cơ sở PCCC trước đây do CAH quản lý, đồng thời đã tổ chức tuyên tuyền quy định về PCCC đến 22 xã, thị trấn và đại diện các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện theo kế hoạch tổng kiểm tra phòng cháy chữa cháy của thành phố”.
Là địa bàn từng xảy ra vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng làm nhiều người tử vong, sau gần 30 ngày triển khai cao điểm, các lực lượng chức năng phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy đã kiểm tra, đánh giá gần 100/546 cơ sở là nhà ở kết hợp hộ kinh doanh cần rà soát. Trong đó, phát hiện một số cơ sở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về PCCC, đã lập biên bản ghi nhận sự việc đồng thời hướng dẫn người dân khắc phục. Ông Bùi Chí Thanh – Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu bày tỏ, từng cán bộ cấp cơ sở, đại diện tổ dân phố đều đã được tập huấn kỹ năng cơ bản để tham gia các tổ công tác kiểm tra an toàn PCCC một cách hiệu quả nhất.
Rõ ràng, nguy cơ cháy ở chung cư mini, trong cộng đồng, những tồn tại và trách nhiệm tháo gỡ vấn đề này trên địa bàn Hà Nội đã đến lúc không thể xem nhẹ, không thể chỉ “nóng” khi xảy ra sự cố. Bởi ở đây, trung tâm của câu chuyện là sự an toàn và tính mạng của người dân.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH