Bếp nướng/lò nướng đang là thiết bị phổ biến, ngày càng được sử dụng nhiều trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng bếp nướng/lò nướng không đúng cách có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây cháy, nổ và gây thương tích cho người sử dụng.
Hình ảnh Bếp nướng tại nhà
Nguy hiểm cháy, nổ từ bếp nướng/lò nướng
Sở phòng cháy, chữa cháy Hoa Kỳ ước tính có trung bình khoảng 10.600 vụ cháy công trình nhà ở và đám cháy ngoài trời liên quan đến cháy lò nướng/bếp nướng mỗi năm trong giai đoạn 2014 – 2018. Những vụ cháy này đã gây thiệt hại trung bình 10 người chết, 160 người bị thương và thiệt hại tài sản khoảng 149 triệu USD trực tiếp mỗi năm. Trong đó, có 5.700 vụ cháy lò nướng/bếp nướng ngoài trời (chiếm 54%), những vụ cháy này đã gây ra trung bình 60 người bị thương và thiệt hại trực tiếp về tài sản là 14 triệu USD; có 4.900 vụ cháy lò nướng/bếp nướng trong nhà (chiếm 46%), những vụ cháy này đã gây ra trung bình 10 người chết, 100 người bị thương và thiệt hại tài sản khoảng 135 triệu USD.
Nhìn chung, đám cháy lò nướng/bếp nướng chủ yếu bắt nguồn từ các nguyên, vật liệu nấu ăn (bao gồm cả thực phẩm) hoặc bắt nguồn từ khí đốt. Chỉ có 10% vụ cháy lò nướng bắt đầu bằng sự bắt lửa của lớp phủ hoặc vật liệu dễ bắt cháy bên ngoài, nhưng những vụ cháy này lại gây ra 45% thiệt hại về tài sản. Trong khi đó, trong giai đoạn 2014 – 2018 có khoảng 84% vụ cháy lò nướng/bếp nướng dẫn đến cháy nhà do sử dụng nhiên liệu bằng khí đốt; khoảng 12% vụ cháy liên quan đến việc sử dụng than củi hoặc nhiên liệu rắn khác. Năm 1980, đám cháy bếp nướng/lò nướng bắt nguồn từ khí đốt nhiều gấp 1,3 lần đám cháy bếp nướng/lò nướng bắt nguồn từ các chất rắn khác; đến năm 2018, các vụ cháy bếp nướng/lò nướng bắt nguồn từ khí đốt đã nhiều hơn gấp sáu lần. Mặc dù, có thể có những tác động ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu; nhưng rõ ràng các vụ cháy bếp nướng/lò nướng liên quan đến khí đốt đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều.
Các nguyên nhân hàng đầu gây ra cháy lò nướng/bếp nướng là do rò rỉ hoặc vỡ đường ống dẫn nhiên liệu, không vệ sinh lò nướng/bếp nướng thường xuyên, không giám sát vỉ nướng và nướng quá gần vật có thể bắt lửa…
Bỏng nhiệt liên quan đến bếp nướng/lò nướng
Ước tính trung bình có khoảng 19.700 người mỗi năm phải đến bệnh viện cấp cứu vì chấn thương liên quan đến đồ nướng hoặc tiệc nướng trong năm 2014 – 2018. Khoảng một nửa trong số những thương tích này (khoảng 9.500 người) là bỏng nhiệt. Hơn một nửa số ca bỏng nhiệt là bỏng không do lửa, thường do tiếp xúc với vỉ nướng hoặc vật dụng bên trong. Trẻ em dưới năm tuổi chiếm 40% số ca bỏng; có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị bỏng tay sau khi chạm vào vỉ nướng hoặc bộ phận nướng còn nóng. Các ví dụ sau đây, được lấy từ cơ sở dữ liệu của Hệ thống giám sát thương tật điện tử Quốc gia Hoa Kỳ trong giai đoạn 2014 – 2018, cho thấy các trường hợp có thể gây bỏng nhiệt:
- Một người đàn ông 24 tuổi đã bị bỏng khi anh ta cố đốt lò nướng bằng chất lỏng dễ cháy và nó phát nổ gây bỏng ở mặt anh ấy.
- Một người đàn ông 46 tuổi bị bỏng hơn 10% cơ thể sau khi dùng xăng đốt lò nướng; ngọn lửa đã bắt cháy vào áo sơ mi và gây bỏng đối với cơ thể của anh ấy.
- Một người phụ nữ 48 tuổi đang đốt lò nướng thì đường dây gas bị tuột ra ngoài, ngọn lửa đã tạt vào mặt và tóc của cô ấy.
- Một người cha đã để con gái 7 tháng tuổi của mình trong chiếc nôi và để quá gần lò nướng. Em bé sau đó bị bỏng ở bàn chân và đầu gối.
- Một bé gái 4 tuổi vô tình dẫm phải than nóng vừa đổ ra khỏi vỉ nướng và làm bỏng chân.
- Một cậu bé 7 tuổi đang chơi bóng ở nhà và chạy vào một lò nướng đang nóng.
- Một bé trai 2 tuổi bị ngã vào vỉ nướng đã tắt lửa nhưng vẫn còn nóng; em bé bị bỏng độ 1 ở má, ngực và cẳng tay.
- Một bé gái 18 tháng tuổi bị vấp ngã đập mặt vào vỉ nướng, gây bỏng ở phần đầu…
Phương pháp luận
Số liệu thống kê trong phân tích này là ước tính được lấy từ Hệ thống Báo cáo Sự cố Hỏa hoạn Quốc gia của Cơ quan quản lý phòng cháy, chữa cháy Hoa Kỳ (NFIRS) và khảo sát hàng năm của NFPA của sở phòng cháy, chữa cháy Hoa Kỳ. Các vụ cháy được báo cáo cho sở phòng cháy, chữa cháy liên bang hoặc tiểu bang hoặc đội phòng cháy, chữa cháy công nghiệp không được tính trong các phân tích này. Chỉ có thương vong dân sự (không phải lính cứu hỏa) mới được đưa vào phân tích này.
Nguồn tham khảo: .
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH