Những sự cố cháy, nổ hóa chất hầu hết đều gây ô nhiễm môi trường do các chất độc hại khuếch tán vào không khí hoặc nguồn nước, sau đó thẩm thấu vào đất, gây nguy hại tới sinh vật và con người trực tiếp hoặc lâu dài. Áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ hóa chất xảy ra cũng như các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu sự phát tán của các chất độc hại ra môi trường trong quá trình chữa cháy và xử lý sự cố của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, sẽ góp phần giảm thiểu tác hại đến môi trường là vấn đề cấp bách cần được giải quyết.
Đặc tính của hóa chất chủ yếu là mang tính cháy nổ, kích ứng, độc và ăn mòn. Do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình sản xuất và sử dụng. Sự cố cháy, nổ hóa chất có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào và có khả năng phát triển thành sự cố ở quy mô lớn, có tác động trên phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, nền kinh tế, tài sản và môi trường xung quanh.
Các vụ cháy, nổ hoặc sự cố rò rỉ hóa chất đều gây ô nhiễm môi trường cấp cục bộ hoặc lâu dài; ở mức độ nghiêm trọng có thể trở thành thảm họa môi trường.
Khi xảy ra sự cố cháy, nổ hóa chất thì trong thành phần của khói do các đám cháy sinh ra chứa nhiều chất độc hại tác động đến môi trường gồm các chất khí độc như: CO, H2S, SO2, NO2, HCHO, COCl2…; các chất cháy không hoàn toàn do sự cố hóa chất, sản phẩm hóa chất như P2O5, NH3… các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, dung môi sơn hay các hóa chất nhân tạo như SiH4,… những hóa chất này vô cùng độc hại khi phát tán vào không khí; bụi khói PM10; PM2,5; PM1,0; sol khí, do muội than, tàn tro bay,… các chất độc hại này có thể tạo dòng chảy cuốn theo hoặc hòa tan theo lượng lớn nước chữa cháy gây ô nhiễm dòng chảy.
Mặt khác, khi xảy ra các sự cố cháy, nổ hóa chất thì hóa chất sẽ bay hơi hoặc tràn, chảy ra môi trường, gây ô nhiễm và tác động đến hệ sinh thái, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người. Sự lan truyền các hóa chất gây nguy hại nhanh nhất qua môi trường không khí, do bản chất ở dạng khí hoặc dễ bay hơi ngay nhiệt độ thường như Clo, Brom, Thủy ngân, Digoxin, Axit nitric, Phosgen, Amoniac … đặc biệt là các các chất dùng trong ngành bảo vệ thực vật, chúng sẽ gây tác hại nhanh và rộng đến cả người và sinh vật, có tính sát thương cao.
Nhận thức được vấn đề nêu trên, trong thời gian qua lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tập trung rà soát, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh, sử dụng, bảo quản hóa chất, sẵn sàng lực lượng và phương tiện để ứng cứu kịp thời khi có sự cố cháy, nổ hóa chất xảy ra. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: việc thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan đến hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong việc giảm thiểu tác động của hóa chất, sản phẩm cháy đến môi trường chưa hoàn thiện và không cụ thể; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế: đám cháy sự cố hóa chất có đặc điểm riêng, khác với những đám cháy thông thường khác. Do vậy, khi thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phải nắm bắt được tình hình hiện trường, đặc điểm của khu vực xảy ra sự cố như: đặc điểm dây chuyền công nghệ sản xuất, phương tiện, các hóa chất độc hại… từ đó áp dụng các phương pháp, biện pháp và phương tiện thích hợp để tổ chức chữa cháy và công tác cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả cao nhất. Khi thực hiện nhiệm vụ, nếu cán bộ, chiến sỹ áp dụng các biện pháp chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không phù hợp hoặc sử dụng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ không thành thạo rất có thể sẽ xảy ra tai nạn thứ cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tính mạng của chiến sỹ và người bị nạn, cũng như ảnh hưởng đến môi trường; khi xảy ra sự cố cháy, nổ hóa chất cần phải xác định nguyên nhân, đánh giá thiệt hại chưa được tiến hành đồng thời các hoạt động đảm bảo an toàn cho môi trường nhằm hạn chế thiệt hại trực tiếp trước mắt và lâu dài, hạn chế các yếu tố nguy hiểm thứ cấp phát sinh.
Trước tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và nhu cầu về tiêu thụ nguyên liệu hoá chất ngày càng tăng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ hóa chất xảy ra, đồng thời giảm sự ảnh hưởng của các đám cháy hóa chất tới môi trường, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần hoàn thiện một số giải pháp sau:
Một là, chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến công tác PCCC&CNCH đối với cơ sở hóa chất.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố cháy, nổ hóa chất theo đúng quy định. Xây dựng và ban hành kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đang nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư. Ban hành chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ riêng đối với các cơ sở, sản xuất, kinh doanh có nguy hiểm về cháy, nổ trong đó có cơ sở liên quan đến hóa chất. Ban hành kế hoạch tổ chức hướng dẫn tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở, sản xuất, kinh doanh có nguy hiểm về cháy, nổ trong đó có cơ sở liên quan đến hóa chất.
Hai là, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phát huy tốt vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với cơ sở hóa chất nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy, nổ hóa chất xảy ra.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành rà soát, điều tra, nắm tình hình đối với công tác PCCC&CNCH tại các cơ sở bảo quản, sản xuất, kinh doanh hóa chất. Trên cơ sở đó tham mưu các cấp có thẩm quyền để ban hành các văn bản chỉ đạo sát sao hơn đối với việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn. Gắn công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật với công tác vận động toàn dân tham gia PCCC là nhiệm vụ thường xuyên, triển khai bằng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động, với những nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với từng khu vực, từng địa bàn để nâng nhận thức, hiểu biết về sự nguy hiểm do cháy, nổ hóa chất và những nguyên nhân gây cháy cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ PCCC không chỉ của riêng ai mà đó là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi người dân. Mặt khác, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm về PCCC, đồng thời phải chủ động sẵn sàng về lực lượng, phương tiện và phương án để kịp thời xử lý sự cố xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cũng như sự tác động đến môi trường.
Ba là, nâng cao chất lượng và đảm bảo các điều kiện cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy, nổ hóa chất.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chiến sỹ làm công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đảm bảo hiệu quả thường trực sẵn sàng chiến đấu khi xảy ra sự cố cháy, nổ hóa chất, đảm bảo về lực lượng và phương tiện theo quy định. Đảm bảo trang thiết bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố cháy, nổ hóa chất. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH là lực lượng nòng cốt tham mưu UBND các cấp hỗ trợ nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị PCCC&CNCH và một số loại phương tiện cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng khác phù hợp với chữa cháy và công tác cứu nạn, cứu hộ sự cố liên quan đến hóa chất./.
Ngọc Anh (Khoa Khoa học cơ bản và ngoại ngữ)