web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Giải pháp đảm bảo an toàn khi tổ chức trinh sát đám cháy

Trinh sát đám cháy là việc xác định có hay không có người bị nạn trong đám cháy; số lượng, vị trí, tình trạng của người bị nạn; biện pháp và khả năng cứu người bị nạn; các yếu tố nguy hiểm từ đám cháy có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người bị nạn cũng như lực lượng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); các chất cháy chủ yếu, nguy cơ cháy lan và khả năng phát triển của đám cháy; vị trí, khu vực cần triển khai lực lượng, phương tiện để cứu người, cứu tài sản, ngăn chặn cháy lan; khả năng sử dụng phương tiện chữa cháy hiện có của cơ sở để phục vụ chữa cháy và các nguồn nước có thể sử dụng cho chữa cháy; những dấu vết, vật chứng liên quan đến đám cháy (nếu có) để phục vụ việc xác định nguyên nhân xảy ra cháy. Việc tổ chức trinh sát đám cháy phải thực hiện thường xuyên, liên tục từ khi đến nơi xảy ra cháy cho đến khi kết thúc nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

 

Các thông tin trên của trinh sát đám cháy có vai trò đặc biệt quan trọng để chỉ huy chữa cháy đưa ra quyết định các biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp.

 

Trong thực tế khi tiến hành cứu chữa các vụ cháy lớn phức tạp việc trinh sát nắm tình hình diễn biến toàn bộ đám cháy ngay một lúc gặp rất nhiều khó khăn vì đây là lực lượng đầu tiên tiếp cận đám cháy, là lực lượng gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) luôn phải đối mặt với những khó khăn, thử thách bởi sự tàn phá và diễn biến vô cùng nhanh, phức tạp và khó lường của đám cháy. Để thực hiện tốt nhiệm vụ khi trinh sát đòi hỏi CBCS thực hiện nhiệm vụ phải nắm vững kiến thức nghiệp vụ; đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của từng loại hình cơ sở; ngoài ra cần phải được trang bị đầy đủ và sử dụng thành thạo các trang thiết bị bảo hộ cá nhân, phương tiện, thiết bị chuyên dùng.

 

Trước các yêu cầu trên, để đảm bảo an toàn cho CBCS và nâng cao hiệu quả công tác trinh sát đám cháy, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

 

– Khi tiến hành tổ chức trinh sát đám cháy trước hết phải xác định mức độ, các yếu tố nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe đối với cán bộ, chiến sỹ. Tại hiện trường đám cháy, người chỉ huy cần phải nhanh chóng nắm bắt thông tin từ cán bộ kiểm tra được giao quản lý trực tiếp cơ sở, địa bàn hoặc những người am hiểu hình hình, đặc điểm công trình, khu vực xảy ra cháy là đại diện cơ sở hoặc người phụ trách công tác an toàn, phụ trách kỹ thuật của địa bàn, khu vực, cơ sở hoặc người dân nắm rõ tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và thông thạo địa hình, địa vật tại cơ sở, khu dân cư, phương tiện, nơi xảy ra cháy để xác định tính chất, đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ và tiến hành tổ chức trinh sát, triển khai biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và CNCH phù hợp.

 

– Chỉ cho phép CBCS vào trinh sát trong khu vực đám cháy khi đã xác định bảo đảm các điều kiện an toàn cho CBCS. Việc đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ phải được duy trì liên tục từ khi bắt đầu tổ chức cho đến khi kết thúc nhiệm vụ trinh sát.

 

– Khi phải tiến hành nhiều mũi trinh sát, các Tổ trinh sát cần trang bị thiết bị liên lạc và thiết bị chiếu sáng cá nhân. Trước khi tiến hành nhiệm vụ Tổ trinh sát phải thống nhất các phương án, biện pháp an toàn và phải luôn luôn giữ liên lạc giữa Tổ trinh sát với Ban chỉ huy chữa cháy; trước khi vào các khu vực có không gian kín (nhiều khói, khí độc, nhiệt độ cao) phải kiểm tra độ tin cậy của thiết bị bảo hộ cá nhân; phân công cán bộ theo dõi các Tổ trinh sát và phải liên tục giữ liên lạc với các Tổ. Cán bộ ghi chép, theo dõi lượng dưỡng khí và thời gian làm việc của các Tổ trinh sát không được rời vị trí và phải thường xuyên thông báo tình hình cho chỉ huy chữa cháy.

 

– Khi công việc trinh sát phải tiến hành trong thời gian dài, Tổ trinh sát phải mang đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân và các phương tiện, thiết bị chuyên dùng, thường xuyên theo dõi lượng khí của thiết bị phòng độc cách ly, tính toán lượng khí dự trữ cần thiết trong thiết bị phòng độc đủ để di chuyển ra khu vực an toan, cụ thể như sau:

 

+ Trước khi vào khu vực đám cháy CBCS trinh sát phải kiểm tra áp suất của bình khí thở, đảm bảo áp suất 240 – 300bar và ghi nhớ lại.

 

+ Khi đến vị trí thực hiện hoạt động trinh sát cần kiểm tra lại áp suất của bình, xác định lượng khí đã sử dụng và báo cáo cho Tổ trưởng.

 

+ Tính toán lượng khí thở cần sử dụng lớn nhất (tương ứng với thời gian hoạt động) của CBCS trinh sát và đưa ra cảnh báo cho CBCS cần ngừng hoạt động để rời khỏi đám cháy ra bên ngoài thay thế bình khí thở (áp suất khí dự trữ tối thiểu trong bình phục vụ cho việc quay trở ra bên ngoài đám cháy là 50bar).

 

– Trong quá trình tổ chức trinh sát phải thường xuyên quan sát trạng thái của các kết cấu xây dựng, đặc biệt lưu ý và cần làm rõ các dạng công trình với trần và vách bằng vật liệu nhẹ, không chịu lực, dễ bị đổ, sập đổ khi bị tác động nhiệt… để từ đó có biện pháp ngăn ngừa khả năng sập đổ của chúng như: Phun nước phân tán làm mát các cấu kiện xây dựng; tạo màng nước ngăn cách các dòng nhiệt bức xạ tác động tới cấu kiện chịu lực; giảm nhiệt độ trong các phòng bị cháy, nâng cao mặt phẳng cân bằng áp suất (bằng cách tạo lỗ thoát khói…), phun nước phân tán để làm lắng khói và giảm nhiệt độ, hướng dòng sản phẩm cháy thoát ra ngoài về phía không gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sỹ; kịp thời giảm tải ở các sàn nhà có nguy cơ sập đổ.

 

– Khi trinh sát trong điều kiện gió lớn, CBCS cần phải chú ý tới diễn biến xung quanh khu vực đám cháy, để kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn tránh nguy cơ bị lửa bao vây và các vật bị gió tác động (rơi, bay, va đập…) gây tai nạn, nhất là khi trinh sát các đám khu nhà tạm, cháy rừng.

 

– Khi tổ chức trinh sát trong các phòng có máy móc thiết bị có điện áp cao, thiết bị chứa khí nén, chứa chất lỏng dễ cháy, phòng có chất nổ, chất độc và chất phóng xạ, hóa chất công tác trinh sát phải được tiến hành theo đúng quy tắc an toàn và theo sự chỉ dẫn của các chuyên gia kỹ thuật an toàn của cơ sở, không được tự ý vào khi chưa có biện pháp đảm bảo an toàn.

 

– Khi triển khai trinh sát, tìm kiếm người trong khu vực đang có lửa, khói tác động mạnh cần tính toán triển khai đội hình lăng phun nước (sử dụng lăng B đa tác dụng) đi kèm để bảo vệ Tổ trinh sát, phục vụ cứu người và dập lửa./.

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH