web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Những mùa Xuân bên Bác

Những ngày giáp Tết Qúy Mão, khi đất trời đang chuyển mình đến bên thềm Xuân mới, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) lại bồi hồi nhớ những kỷ niệm về mùa Xuân bên Bác. Đó là những dấu ấn khó quên, là sự động viên, khích lệ, là kim chỉ nam trên hành trình chống “giặc lửa” vì bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, đất nước…

 

Bác Hồ đến thăm gia đình đồng chí Trương Từ Thức – Đội trưởng Đội PCCC – Công an Thành phố  Hà Nội đêm Giao thừa Xuân Canh Tý 1960.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người để lại muôn vàn tình thương yêu và những kỷ niệm sâu sắc đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nói riêng, người luôn dành những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

 

Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Trong giai đoạn này, công tác PCCC được Đảng, Nhà nước quan tâm và đưa vào phong trào bảo vệ trị an với khẩu hiệu 3 phòng: “Phòng gian – Phòng hỏa – Phòng tai nạn.” Mùa Xuân đầu tiên mừng Đảng, Chính phủ sau 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ ở chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô, ngày 01/01/1955, trong buổi lễ mít tinh trang trọng, Đội Cứu hỏa – Công an Thành phố Hà Nội gồm 07 người do đồng chí Lục Văn Giỏi làm chỉ huy tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Sau cuộc mít tinh trang trọng ấy, Bác đi từ lễ đài xuống, ân cần bắt tay từng người trong Đội và dành cho các chiến sỹ lời chúc Tết đặc biệt: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp!” Tất cả đều ngỡ ngàng và thấm thía trước lời chúc đặc biệt của Bác trong mùa Xuân năm ấy. Khác với lời chúc Tết truyền thống theo thông lệ về một năm mới an vui, mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng, đắc tài, đắc lộc, công việc làm ăn phát triển thì Bác lại chúc “thất nghiệp”. Nghịch lý trong lời chúc vui vẻ của Bác nhân dịp đầu Xuân năm ấy ngắn gọn mà hàm ý sâu sắc, chất chứa bao tình cảm yêu thương, niềm tin, hy vọng, lời dặn dò ân cần, sự động viên khích lệ và cũng là mục tiêu giao nhiệm vụ mà Bác dành cho lực lượng Công an nhân dân trong công tác PCCC vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân, đất nước. Lời chúc ấy đã trở thành phương châm hành động của lực lượng Cảnh sát PCCC, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

 

Mùa Xuân năm Canh Tý (1960), giữa bộn bề công việc, bộn bề lo toan vận mệnh nước nhà, Bác vẫn dành thời gian và sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng PCCC. Vinh dự nhất trong mùa Xuân ấy nói riêng và trong lịch sử của lực lượng Phòng cháy chữa cháy nói chung là gia đình đồng chí Trương Từ Thức – Đội trưởng Đội PCCC – Công an Thành phố Hà Nội được người đến “xông đất” đêm Giao thừa năm Canh Tý. Chuyến “vi hành” đặc biệt của vị Chủ tịch nước đêm Giao thừa năm ấy không giống như bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác. Không “trống giong cờ mở”, Người lặng lẽ cùng một vài đồng chí đi bộ trong mưa phùn và gió lạnh đến “xông đất” nhà người lính chữa cháy từ một con dốc phía sau nhà. Trước phút Giao thừa, nghe tiếng gõ cửa, gia đình đồng chí Trương Từ Thức mới biết là Bác đến “xông đất”, chúc mừng năm mới. Cả gia đình đồng chí Trương Từ Thức như “vỡ òa” vì bất ngờ và xúc động. Tất cả mọi người trong đại gia đình quây quần bên Bác, ai cùng muốn được đứng gần bên Bác hơn. Bác ân cần hỏi thăm từng người trong gia đình người lính chữa cháy ăn Tết có được đầy đủ không, căn dặn từng người trong gia đình ở mỗi lĩnh vực nghề nghiệp công tác khác nhau phải làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ với nhân dân, đất nước. Nhìn 4 chữ trên bức hoành phi của gia đình đồng chí Trương Từ Thức (“Lễ Do Nghĩa Khởi”), Bác giải nghĩa 4 chữ đó là: Lễ nghĩa đều xuất phát từ đây. Bác nói: chỉ có những nhà Nho trọng Lễ – Nghĩa mới treo 4 chữ ấy. Bác mong gia đình đồng chí giữ được truyền thống đạo nghĩa như lời dạy trên bức hoành phi. Biết đồng chí Trương Từ Thức là con trưởng, trưởng họ, bác ân cần dặn dò: Chú là trưởng họ cũng như là thủ trưởng của một đơn vị. Bác mong chú cũng giữ được quan điểm “không gia trưởng” khi là thủ trưởng đơn vị nhé!

 

Trong khoảnh khắc giao hòa của đất trời vào Xuân trong mùa Xuân Canh Tý, Bác bắt nhịp bài hát “Kết đoàn”, tất cả mọi người trong gia đình đồng chí Trương Từ Thức cùng hát. Trước khi chia tay gia đình người lính chữa cháy, Bác nhìn lên phía bàn thờ của gia đình và nói: Tết này gia đình mình có bánh chưng, như thế là có Tết rồi. Đất nước mình còn nhiều người cơ cực không có Tết. Bác mong mọi người đừng quên điều đó. Xúc động trước sự quan tâm sâu sắc của người, ngay số Báo Công an đầu Xuân năm đó, đồng chí Trương Từ Thức đã viết bài “Bác đến” bày tỏ niềm xúc động, tự hào và lòng biết ơn sâu sắc tới Bác.

 

Những khoảnh khắc bên Bác trong mỗi mùa Xuân ấy đều rất ngắn ngủi nhưng vô cùng quý giá và thiêng liêng đối với những người lính PCCC. Niềm vui, niềm xúc động trước sự quan tâm đặc biệt của Người nhân dịp Tết đến, Xuân về là niềm vinh dự, động lực thúc đẩy lực lượng Cảnh sát PCCC không ngừng nỗ lực, phấn đấu, không quản ngại gian khổ, hy sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Bác là vậy, giản dị mà không giản đơn, bình dị mà không tầm thường. Ngay cả giữa cuộc đời thường nhật, Người vẫn luôn dành cho lực lượng PCCC sự quan tâm đặc biệt. Một chiếc bể chứa nước trong Phủ Chủ tịch được xin ý kiến Bác để phá bỏ đi vào năm 1958, Bác cũng cân nhắc dặn dò: phải hỏi ý kiến của các đồng chí phòng cháy đã. Trăn trở trước yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 53/SL ban hành “Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy chữa cháy”. Sắc lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thông qua ngày 27/9/1961. Đây là mốc son đánh dấu thời điểm lực lượng Cảnh sát PCCC chính thức được thành lập. Trong Pháp lệnh, Người đã sửa cụm từ “phòng hỏa, cứu hỏa” thành “phòng cháy, chữa cháy”. Bác không chỉ tinh tế trong việc sử dụng ngôn từ chính xác mà còn khéo léo trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

 

Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ cam go, khốc liệt, giữa bộn bề lo toan vận mệnh đất nước, Bác vẫn dõi theo từng bước đi của lực lượng Cảnh sát PCCC. Bác theo dõi báo, đài, biết Đội PCCC Hòn Gai vừa dập tắt lửa trên 4 chiếc sà lan chở dầu bị máy bay địch bắn cháy tại Vịnh Hạ Long được ít ngày, mặc dù Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Ninh đều chưa có báo cáo nhưng Bác thấy lực lượng PCCC làm tốt nhiệm vụ, Người đã gửi tặng Bằng khen. Thấy Đội PCCC Hòn Gai đóng quân bên Vịnh Hạ Long tươi đẹp, Người đổi tên gọi cho Đội PCCC Hòn Gai thành Đội PCCC Hạ Long. Năm 1966, Cảnh sát PCCC – Công an Hà Nội đã dũng cảm, gan dạ và sáng tạo lập chiến công xuất sắc trong khi chữa cháy thành công kho xăng Đức Giang bị trúng bom giặc Mỹ. Ngay sau khi biết tin, ngày 03/08/1966, Bác đã gửi thư khen ngợi. Trong bức thư năm ấy, Người căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC 4 điều: “…1. Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn. 2. Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân. 3. Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy. 4. Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí….”

 

Trân trọng những nỗ lực, cống hiến, hy sinh của những người lính PCCC, ngoài những lần trực tiếp đến thăm, gửi thư khen hay tặng thưởng thì Người còn dành cho lực lượng PCCC phần thưởng cao quý đó là “Huy hiệu Bác Hồ”. Đối với những người lính PCCC, được nhận “Huy hiệu Bác Hồ” là phần thưởng cao quý không chỉ mang ý nghĩa minh chứng cho những chiến công, thành tích mà là niềm vinh dự, tự hào, nguồn động viên mạnh mẽ để họ sống, chiến đấu, cống hiến hết mình cho nhân dân, đất nước, xứng đáng với niềm tin mà Người gửi gắm nơi chiếc Huy hiệu cài trên ngực áo.

 

Lời chúc Tết đặc biệt mùa Xuân năm 1955 của Bác, những ân tình Người dành cho lực lượng Cảnh sát PCCC trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về và 4 điều Bác căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC năm 1966 đã trở thành mục tiêu, phương hướng, kim chỉ nam cho mọi hành động của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong suốt lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Những kỷ niệm sâu sắc của Người dành cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH là nguồn động viên, khích lệ, động lực to lớn để mỗi cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH không quản hiểm nguy, gian khổ, hy sinh, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khắc ghi lời dạy của Người, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã vận dụng sáng tạo, nghiên cứu, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quản lý nghiệp vụ và tổ chức tốt công tác phòng ngừa cháy, nổ, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng thế trận toàn dân trong công tác PCCC&CNCH góp phần bảo vệ vững chắc an ninh trật tự của tổ quốc./.

 

Thành Long