Những kết quả việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ của các Đoàn Cứu nạn, cứu hộ Công an nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là sự chuyên nghiệp và trên hết là sự trách nhiệm, nhiệt tình của đoàn công tác Việt Nam, đã được quốc tế, người dân Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận, đánh giá cao.
“Chạy đua với thời gian, chạy đua với tử thần”
Hai Đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang cùng các đội tìm kiếm, cứu hộ đến từ khoảng 100 quốc gia trên khắp thế giới đang chạy đua với thời gian, khẩn trương tiến hành việc tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân thảm họa động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xảy ra rạng sáng ngày 6/2/2023. Trong đó, hai đoàn cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam cùng tác nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong số hơn 41.000 người thiệt mạng trong trận động đất (tính tới ngày 15/2/2023), có khoảng hơn 37.000 người Thổ Nhĩ Kỳ.
Đoàn Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam phối hợp cùng các lực lượng địa phương và quốc tế tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông tin từ “tâm chấn” Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, Đoàn Cứu nạn, cứu hộ của Công an nhân dân đã đến làm việc tại hiện trường mới để tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân tại quốc gia này. Điểm cứu hộ, cứu nạn mới là 3 tòa nhà trên đường Kemalpasa, quận Cumhuriyet, thành phố Adiyaman. Tại đây, đoàn Việt Nam phối hợp với Đoàn Cứu nạn, cứu hộ của Mỹ và lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm nơi được cho là có đến hơn 100 nạn nhân đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát.
Trong khi đó, Đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 76 người cũng đang khẩn trương tìm kiếm, cứu hộ nạn nhân động đất tại thành phố Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi trước động đất xảy ra có khoảng 5.200 người. Đội Công binh cứu sập và Đội chó nghiệp vụ của Quân đội Việt Nam thực hiện nhiệm vụ kiếm cứu nạn tại khu vực đường Rustem Tumer Pasa, thành phố và theo hiệp đồng với phía Thổ Nhĩ Kỳ, nếu phát hiện dấu hiệu có nạn nhân sẽ lập tức thông báo để thống nhất với lực lượng cứu hộ địa phương cùng tham gia cứu nạn.
Chiến thuật cứu hộ được áp dụng là, các tổ tiến hành trinh sát mục tiêu. Nếu phát hiện mục tiêu cần đưa ra khỏi khu vực sập đổ, hoặc dấu hiệu cần ứng cứu sẽ lập tức báo cáo để chỉ huy trưởng điều động lực lượng công binh tới hiện trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiến hành công tác cứu hộ. Lực lượng Quân y ở vòng ngoài sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp cần thiết, hoặc thực hiện các biện pháp đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, bàn giao cho giới chức sở tại.
Đoàn công tác Cứu nạn, cứu hộ của Công an nhân dân Việt Nam những ngày qua đã sử dụng các thiết bị cơ giới như máy xúc, máy đào để tìm kiếm các nạn nhân. Cùng với đó, các chiến sĩ công an sử dụng những trang thiết bị chuyên dụng để tìm kiếm nạn nhân, các dấu hiệu của sự sống dưới đống đổ nát như dùng camera dò tìm, phát hiện bằng hình ảnh, âm thanh… Đội Cứu nạn, cứu hộ của Công an nhân dân với các trang thiết bị chuyên dụng đã phát hiện một thiếu niên may mắn sống sót nhiều ngày dưới đống đổ nát và phối hợp với lực cứu hộ của Quân đội Pakistan giải cứu an toàn thiếu niên này.
Những ngày qua, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cung cấp hậu cần, khí hậu khắc nghiệt, lạnh giá dưới 00C, phải ngủ trong lều bạt, không có nơi tắm rửa, vệ sinh… nhưng các cán bộ, chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ quốc tế của Việt nam vẫn nỗ lực tối đa “chạy đua với thời gian, chạy đua với tử thần” để tìm kiếm người đang bị vùi lấp trong các đống đổ nát trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hai Đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ của Quân đội và Công an nhân dân Việt Nam đã tìm kiếm, phát hiện nhiều thi thể nạn nhân của thảm họa động đất.
Từ hiện trường, Thiếu tá Lại Tuấn Anh, cán bộ Phòng Công tác cứu nạn, cứu hộ thuộc Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, cho biết đoàn chỉ có 24 người, do vậy phải chia ca để thay nhau cứu nạn nhằm bảo đảm sức khỏe trước khối lượng công việc khổng lồ. Việc cứu nạn diễn ra từ 8 giờ đến 22 giờ theo giờ địa phương, thậm chí có hôm phải thực hiện xuyên đêm đến hơn 1 giờ hôm sau trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Để tay lên ngực trái khi gặp đoàn Việt Nam
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Trưởng đoàn công tác, cho biết, công tác của đoàn cứu nạn, cứu hộ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thực hiện theo hướng sử dụng các thiết bị chuyên dụng được mang từ Việt Nam sang. Đó là những thiết bị khoan cắt bê tông, thiết bị dò tìm nạn nhân bằng sóng radar, cũng như thiết bị dò tìm nạn nhân bằng camera và âm thanh. Đoàn cũng đang đồng thời kết hợp với các phương tiện cơ giới hiện có tại địa phương như máy xúc, máy cào, máy cẩu để phục vụ việc di dời, phá vỡ những tấm bê tông tại những khu vực phát hiện có người bị nạn.
Bên cạnh đó cũng có những khó khăn nhất định liên quan đến điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt so với tại Việt Nam, bất đồng ngôn ngữ cũng là một yếu tố gây khó khăn cho việc hiểu và thống nhất những phương án đưa ra của các lực lượng quốc tế phối hợp với nhau cũng như phối hợp với lực lượng địa phương Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vượt lên tất cả với mong mỏi chung khắc phục hậu quả vô cùng nặng nề của động đất, các lực lượng phối hợp tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các lực lượng quốc tế tham gia cứu nạn cứu hộ, trong đó có các lực lượng đến từ Việt Nam, đều chung sức đồng lòng và chỉ sau một thời gian rất ngắn, tất cả đều hiểu nhau và phối hợp thực hiện nhiệm vụ một cách khẩn trương, hiệu quả nhất.
Điều khiến các thành viên trong Đoàn công tác của Việt Nam được khích lệ, động viên rất lớn là phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các đoàn quốc tế tham gia công tác cứu nạn cứu hộ cùng đoàn Việt Nam đều đánh giá rất cao sự nhiệt tình và sự chuyên nghiệp của các lực lượng cứu nạn cứu hộ của Công an và Quân đội Việt Nam. Điều ấy thể thể hiện ở việc lực lượng Việt Nam sử dụng hiệu quả các thiết bị chuyên dụng, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là sự chuyên nghiệp trong sử dụng các thiết bị banh, cắt thủy lực, tìm kiếm bằng camera hình ảnh và âm thanh, sử dụng các thiết bị liên quan đến kích, nâng để có thể tách những khối bê tông phục vụ cho việc cứu nạn cứu hộ. Song trên hết là tinh thần thực hiện nhiệm vụ quên mình vượt qua khó khăn trở ngại với trách nhiệm, nhiệt tình cao nhất để tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân động đất một cách khẩn trương nhất, hiệu quả nhất có thể.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ những ngày qua đã bày tỏ ấn tượng với nghĩa cử, tấm lòng Việt trong “thảm họa của thế kỷ” đối với đất nước và người dân nước này. Hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) nhấn mạnh, đây cũng là lần đầu tiên các cán bộ công an, quốc phòng và ngoại giao Việt Nam tham gia cứu nạn, cứu hộ ở nước ngoài, nhưng sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của các thành viên Đoàn Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam đã được đánh giá rất cao.
Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ tường thuật lại trường hợp phát hiện và cứu sống thiếu niên Abuzer Baran Bakır, 17 tuổi, bị vùi lấp nhiều ngày dưới đống đổ nát nhờ sự giúp đỡ của các thiết bị chuyên dụng hiện đại và chó nghiệp vụ của lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam. Theo hãng thông tấn này, khi gặp khi gặp các thành viên của đoàn Việt Nam, những người dân địa phương Thổ Nhĩ Kỳ luôn để tay phải lên ngực trái để thể hiện sự cảm động và biết ơn đối với những lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến từ đất nước xa xôi Việt Nam.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH