“Ngày anh lên đường, có chiếc áo ấm mình mua anh vẫn chưa kịp quay về cầm đem đi. Hành lý có đúng đồ nghề cho công tác cứu hộ cứu nạn và chiếc áo mặc trên người…”, chị Nguyễn Thị Hồng Diễm (vợ Đại úy Nguyễn Trường Nam) chia sẻ.
Cánh cửa phòng sân bay vừa mở ra, thấy thấp thoáng bóng dáng của chồng – Thượng úy Nguyễn Nhật Phương – chị Phạm Thị Phương Thanh đã không kìm được nước mắt. Trong niềm hạnh phúc vô ngần, chị ôm chầm lấy anh.
Từ buổi chiều, để chuẩn bị đón chồng trở về sau chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ, chị đã tự tay lựa bó hoa, cùng đại gia đình đi xe từ Hóc Môn lên tận sân bay để chờ đợi. Bởi lẽ, cái hôm anh lên đường, chị không kịp gặp mặt nói lời chia tay mà chỉ nghe thông báo qua điện thoại.
“Mấy hôm trước, anh bảo sắp đi Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chưa chắc hôm nào đi nên chị chỉ gấp ít quần áo bỏ vào hành lý. Ấy vậy, ít hôm sau, chị đang làm thì anh gọi: Anh đã tới sân bay rồi. Chị khóc nhiều lắm. Bởi mình không gặp mặt để tiễn anh lên đường làm nhiệm vụ”, chị Thanh kể.
“Ngày anh đi, có chiếc áo ấm vẫn chưa kịp đem”
Tối 19/2/2023, 5 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng PCCC TP. Hồ Chí Minh về đến Sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc 9 ngày làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Giây phút đoàn tụ cùng gia đình và người thân khiến ai nấy đều xúc động nghẹn ngào.
Đứng đợi trước cánh cổng, chị Kim Khanh (vợ Thượng úy Nguyễn Văn Trung) chia sẻ: Trước ngày chồng lên đường thực hiện nhiệm vụ, chị chỉ kịp chuẩn bị một bàn chải đánh răng, kem đánh răng, một chai dầu. Ấy vậy, những ngày đầu sang Thổ Nhĩ Kỳ, thời tiết lạnh đến mức pin điện thoại sạc không được khiến chị mất liên lạc với chồng.
“Đó là những ngày mình không yên. Thứ nhất vì thời tiết quá lạnh, thứ hai vì lúc đó dư chấn sau động đất còn mà Việt Nam mình có bao giờ xảy ra thảm họa này đâu. Đến mấy ngày sau, anh gọi điện về, mình mới dám mừng khi anh khuyên cả gia đình an tâm”, chị Khanh kể.
Ngay sau đó, vì điều kiện khắc nghiệt, các chiến sĩ chỉ có thể ăn mì gói, bánh mì rồi tiếp tục công việc. Mãi cho đến ngày thứ 6, cả đoàn công tác mới lần đầu tiên được ăn bữa cơm ngon.
Còn chị Hồng Diễm chia sẻ, 2 ngày trước biết tin chồng trở về Việt Nam, chị gần như không thể ngủ được. Bởi, thời điểm chồng lên đường sang nước bạn làm nhiệm vụ, mọi thứ diễn ra quá gấp gáp. Ngay cả chiếc áo ấm chị mua cũng để quên tại nhà.
“Lúc đó mình đọc tin thấy bên đó lúc nào cũng -10 độ, hơn cả tủ lạnh nữa. Anh gọi điện về bảo chỉ ngồi lò sưởi, ăn mì gói cho ấm rồi lại bắt tay vào công việc làm mình xót lắm. Bởi hôm trước, hành lý anh đi thô sơ lắm, chỉ có đồ cứu hộ cứu nạn và chiếc áo mặc trên người, chiếc áo ấm mình mua còn chưa kịp về mang đi. Mình buồn vì là vợ mà không làm được gì hết”, chị Hồng Diễm xúc động nói.
“Anh gọi về, reo vui vì cứu được người còn sống”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, những người vợ của các cán bộ đi làm nhiệm vụ nói, mỗi khi chiếc điện thoại reo lại nghe thêm tin vui.
“Có hôm anh gọi về, reo vui lắm vì vừa cứu được một đứa trẻ trong đống đổ nát. Thông tin đó làm mình cũng vui lây. Công việc của anh đã thực hiện nhiều, đôi khi dùng cả tay để giữ sự sống, vì vậy mình thấy thiêng liêng. Mình chưa bao giờ trách anh vì luôn lên đường công tác đột ngột”, chị Hồng Diễm nói thêm.
Giây phút đoàn tụ vào tối 19/2 khiến ai nấy đều hạnh phúc, ấm lòng.
Đối với các chiến sĩ, 9 ngày cứu hộ cứu nạn, họ luôn mong mỏi tìm kiếm được thêm sự sống dù là mong manh. Chỉ cần nghe đâu đó còn có âm thanh, cả đoàn lại tiếp tục đào bới, có khi dùng cả tay đào đất đá để mau chóng tiếp cận nạn nhân. Thế nhưng cũng có lúc các anh buồn vì trong lớp đất đá chỉ còn những thi thể lạnh ngắt.
“Cũng có nhiều tình huống cảm động. Khi thấy căn nhà của mình sập, chú chó cứ đi đi lại lại vì nhớ và muốn tìm. Lúc đó, mình hiểu ý, mình mới nói anh động viên, bảo nó có muốn về Việt Nam ở, thì vợ chồng chị nhận cả để nuôi”, chị Kim Khanh kể lại.
“Cái nghề này không giúp được bằng tiền, nhưng giúp bằng rất nhiều tình”
4 năm cùng sống dưới một mái nhà, chị Phương Thanh không biết bao nhiêu lần khóc thương chồng. Thời điểm ban đầu nghe về công việc của anh, chị chưa bao giờ đồng ý bởi sự khó nhọc và luôn luôn phải đối mặt với nguy hiểm.
“Anh ấy yêu nghề lắm. Sau này mình thấy sự ý nghĩa khi lúc người ta đối diện cái chết, có thể đưa họ quay lại sự sống nên mình nguôi ngoai. Mỗi lần anh rời nhà, bố mẹ khóc nhiều lắm, còn mình thì quen nên buồn nhưng không dám khóc để anh an tâm làm nhiệm vụ”, chị Thanh kể.
Nói về những chuyến công tác xa nhà, chị Hồng Diễm chia sẻ cảm giác vui nhất là khi đi bao lâu nhưng tất cả trở về đều đầy đủ. Chị nhớ vào thời điểm ở Hà Giang có một người bị rơi xuống hố sâu. Khi chồng đang trèo xuống cứu hộ thì bất ngờ trận mưa đá ập đến khiến nước trào vào miệng hố.
“Lúc đó nguy hiểm lắm, mình ở nhà theo dõi mà hồi hộp. Sau đó, các anh em mới lấy đá lấp nước ngay chỗ anh trèo xuống để cứu nạn nhân. Vì vậy, chỉ cần các anh quay về an toàn đó là điều hạnh phúc nhất của những người vợ”, chị Diễm nói.
“Với mình thì không ngừng tự hào về chồng. Bởi lẽ, ở đời ai cũng sẽ có thần thủy, thần lửa, nhưng cái nghề này anh lại cứu họ từ những nơi đó. Công việc lương thiện này tuy không giúp bằng tiền, nhưng giúp người ta bằng rất nhiều tình”, chị Kim Thanh nói thêm.
Trở về từ chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tá Nguyễn Chí Thành cho biết, đây là lần tham gia cứu hộ mới và đầy khó khăn. Chính quyền nước bạn cũng đánh giá cao khả năng làm việc chuyên nghiệp của đoàn công tác Việt Nam.
“Khi xe của đoàn Việt Nam đi đến đâu thì người dân và chính quyền địa phương đều vỗ tay, để tay lên ngực và cúi đầu chào. Thậm chí khi dân biết chúng tôi là người Việt Nam họ còn không lấy tiền ăn. Tất cả hành động đó khiến ai nấy đều xúc động.
Khi trở về mình rất vui mừng, khó tả vì mình biết các cấp lãnh đạo quan tâm, gia đình mong mỏi từng ngày mình bình an trở về. Việt Nam mình tùy là nước nhỏ thôi đã thực hiện nhiệm vụ quốc tế rất tốt. Đặc biệt, mình đã may mắn phối hợp thế giới cứu cháu bé 7 tuổi, và cả thế giới đều biết đến Việt Nam mình nên họ rất trân trọng…”, Trung tá Thành chia sẻ thêm.
Theo Huy Hậu (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)