Thời gian qua, tại các địa phương đã xảy ra một số vụ cháy chợ dân sinh, khiến nhiều tiểu thương bị thiệt hại nặng nề. Câu chuyện của những tiểu thương trong vụ cháy chợ Tam Bạc (TP Hải Phòng) mới đây hay trong vụ cháy chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) cách đây không lâu mà chúng tôi ghi nhận được đã cho thấy nỗi xót xa và cả sự ám ảnh.
Khoảng hơn 6 giờ ngày 12/2/2023, tại khu vực chợ Tam Bạc (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) đã xảy ra vụ cháy ở quầy hàng trong chợ. Sau đó, đám cháy lan ra các quầy hàng khác trong khu vực chợ. Nhận được tin báo, các cơ quan chức năng TP Hải Phòng đã điều động phương tiện, nhân lực để cứu nạn, cứu hộ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã triển khai các phương án khống chế, không cho đám cháy lan sang khu vực các nhà bên cạnh; đồng thời, sơ tán dân ra khỏi khu vực cháy, cứu tài sản cho người dân. Đến sáng cùng ngày, đám cháy đã hoàn toàn được dập tắt. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 100 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Hải, một tiểu thương trong chợ Tam Bạc, cho biết, gian hàng vải mà bà đã kinh doanh hơn 10 năm nay đã cháy thành tro. Theo bà Hải, do ngọn lửa lan quá nhanh nên dù có mặt không lâu sau khi phát hiện hỏa hoạn, bà cũng không thể vào cứu được tài sản của mình. Một ngày sau khi xảy ra vụ cháy, các tiểu thương bị ảnh hưởng bởi vụ cháy đã đến Ban Quản Lý chợ Tam Bạc để kê khai tài sản thiệt hại và tìm phương án giải quyết trong thời gian sắp tới. Rất đông tiểu thương đã có mặt, gương mặt ai cũng nặng trĩu, nhiều người không thể kìm được nước mắt khi nghĩ về số tài sản tích cóp nhiều năm thành tro bụi chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Trước đó, tại một số địa phương khác cũng đã xảy ra các vụ cháy chợ dân sinh. Ví dụ, vụ cháy chợ Đọ (phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) vào rạng sáng ngày 13/7/2022 đã thiêu rụi hơn 400 ki ốt, gây thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Hay vụ cháy chợ vải Ninh Hiệp (Hà Nội) cách đây hơn 2 tháng khiến nhiều tiểu thương điêu đứng. Chị Đỗ Thanh Hằng (38 tuổi, bán quần áo tại chợ Ninh Hiệp) cho biết, đám cháy xảy ra hôm 30/12/2022 khiến toàn bộ số hàng vừa nhập để bán trong dịp Tết bị thiêu rụi. “Cách hôm xảy ra cháy 3 ngày, tôi nhập lô hàng gần 150 triệu đồng, chưa bán được bao nhiêu thì xảy ra cháy. Ngoài ra, 100 triệu đồng tiền mặt để trong két cũng thành tro. Hệ thống đèn, điện trong kiot cũng bị hư hỏng, phải thay mới toàn bộ. Tổng cộng, vụ cháy khiến gia đình tôi thiệt hại khoảng 400 triệu đồng”, chị Hằng chia sẻ.
Sau khi xảy ra cháy khoảng 1 tuần, chị Hằng đã vay mượn tiền của người thân, sửa sang lại kiot và tiếp tục nhập quần áo về bán. “Người không làm sao là may mắn lắm rồi. Còn người là còn của, không việc gì phải bi quan. Với gia đình tôi, khoảng 1 tuần trước Tết, mỗi ngày tôi lãi khoảng 10 triệu đồng tiền bán hàng. Vì thế, tài sản đã mất vẫn có thể kiếm lại được”, chị Hằng cho hay.
Cũng như chị Hằng, chị Vũ Thị Thúy (45 tuổi, bán quần áo tại chợ Ninh Hiệp) đã gượng dậy sau vụ cháy. Chị Thúy cho biết, vụ cháy hôm đó khiến gia đình bị thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. “Vợ chồng tôi suy sụp mất mấy ngày, buôn bán cả năm, gần đến Tết thì bị cháy hết, mất bao nhiêu là tiền. Nhưng cũng đành phải chấp nhận thôi, chứ buồn rầu, chán nản cũng chẳng thay đổi được gì. Quay lại bán hàng sớm ngày nào hay ngày đấy vì mình phải làm thì mới có, chứ nằm ở nhà khóc lóc thì không ra tiền được”, chị Thúy chia sẻ.
Đa số các vụ cháy tại chợ xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng thiết bị điện không đảm bảo an toàn dẫn đến chập dây dẫn điện; do tiểu thương đốt vàng mã, đốt hương thờ cúng trong chợ thiếu an toàn dẫn đến cháy lan.
Trong khi đó, tại các chợ dân sinh là các lô, quầy được bố trí hàng hóa dày đặc, các lối đi nhỏ, hẹp. Cơ sở vật chất tại nhiều chợ xuống cấp, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Do vậy, khi xảy ra các sự cố cháy, nổ, việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Theo Công an TP Hà Nội, để hạn chế nguy cơ cháy nổ tại các chợ dân sinh, trung tâm thương mại, cần sự vào cuộc của cả cơ quan chức năng, Ban quản lý chợ và tiểu thương. Theo đó, Ban quản lý chợ phải đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC); chủ động trang bị phương tiện PCCC tại chỗ theo quy mô, tính chất hoạt động như:
Hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy trong và ngoài nhà, bình chữa cháy; thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng các phương tiện PCCC được trang bị tại cơ sở; thường xuyên thực tập phương án chữa cháy tại chỗ, đảm bảo có thể xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy.
Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng tầng, từng khu vực, từng ngành hàng, có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên đường và hướng thoát nạn.
Ngoài ra, tiểu thương không nên thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã trong khu vực kinh doanh. Tiểu thương cần bố trí hàng hóa, vật tư đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, không bố trí hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, không bố trí lấn chiếm lối đi phục vụ thoát nạn; tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất gây cháy đặc biệt nguy hiểm như xăng dầu, cồn, gas, pháo nổ và hóa chất dễ cháy khác khi chưa được cấp phép của cơ quan chức năng; ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
Khi xảy ra cháy, cần tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số máy 114, cho Công an nơi gần nhất; đồng thời bằng mọi cách dập cháy và cứu người theo phương án chữa cháy và thoát nạn của cơ sở.
Ông Lê Thanh Đôn, Giám đốc Công ty vật tư thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cho biết, khi xảy ra cháy tại chợ dân sinh, tiểu thương tuyệt đối không nên mạo hiểm để cứu tài sản, mà cần chú ý đến tính mạng, sức khỏe của mình. Trong khả năng có thể thì hỗ trợ, di chuyển những người khác khỏi đám cháy. Người dân không nên hiếu kỳ lại gần đám cháy, bởi sẽ nguy hiểm đến sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến khả năng cứu hộ của cơ quan chức năng.
Theo Chu Thúy (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP. Hà Nội)