Sau 10 ngày xuất quân thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về nước với những bài học kinh nghiệm quý báu.
Đại tá Nguyễn Minh Khương chỉ huy công tác tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường. (Ảnh: Đoàn cung cấp).
Sau thời gian 10 ngày thực hiện niệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, nỗ lực tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp trong những đống đổ nát, Đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; phối hợp cùng lực lượng cứu nạn, cứu hộ các nước giải cứu được một người còn sống ra khỏi khu vực sập đổ; tìm kiếm, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài bàn giao cho cơ quan y tế địa phương; trao tặng nhiều vật tư y tế tặng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Thành phố Adiyaman.
Chia sẻ về ý nghĩa của hành trình thực hiện sứ mệnh quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp, Đại tá Nguyễn Minh Khương – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – Trưởng Đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chuyến công tác đặc biệt này đã mang đến những bài học kinh nghiệm quý báu, những kiến thức để áp dụng vào công tác giảng dạy, giáo dục nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ tại Việt Nam.
Chủ động trong mọi tình huống
Ông Khương cho hay bài học kinh nghiệm đầu tiên là việc tiến hành cứu nạn, cứu hộ phải chủ động hoàn toàn.
“Để nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, mỗi đoàn công tác cần chủ động cả về phương tiện và phương pháp tác nghiệp. Đặc biệt đến những nơi bị tàn phá, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn thì các phương tiện như máy phát điện sẽ tạo nguồn cung cho thiết bị, giúp hoạt động cứu trợ được tiến hành hiệu quả mà không phải phụ thuộc vào nước bạn hay các đoàn cứu hộ quốc tế,” Đại tá Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khương, khả năng dự báo, tính toán và lường trước những tình huống có thể xảy ra là một yêu cầu quan trọng với các đội thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. “Với mỗi tình hình, điều kiện hiện trường thì các đội tác nghiệp sẽ có những phương án, kế hoạch riêng. Bởi vậy, việc xác định được tình trạng tại hiện trường sẽ giúp đội có chuẩn bị về các loại phương tiện tác nghiệp phù hợp, tiết kiệm thời gian vận chuyển và tăng hiệu quả công việc,” Đại tá Khương cho biết.
Nghiên cứu tình trạng tại hiện trường sẽ giúp công tác cứu nạn, cứu hộ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn. (Ảnh: Đoàn cung cấp).
Trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ các đội cứu hộ nước bạn
Trong chuyến hành trình đặc biệt lần này, một trong những khó khăn gặp phải đối với Đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam nói riêng và các đoàn công tác quốc tế nói chung đó là rào cản ngôn gữ. Bởi vậy, công tác liên hệ, ngoại giao cần được chú trọng để bảo đảm hiệu quả của quá trình cứu nạn, cứu hộ.
“Chuyến đi đã rút ra bài học về công tác cứu nạn, cứu hộ tại nước ngoài. Đó là các đội đặc nhiệm cần chủ động liên hệ với nước bạn để có những cộng tác viên – đặc biệt là người Việt Nam sống ở quốc gia sở tại. Bởi đó là những người hiểu văn hóa, ngôn ngữ, tư tưởng… của cả hai quốc gia, giúp đưa ra những phản hồi nhanh chóng và hiệu quả nhất, để các đoàn cứu hộ có những phương án cứu nạn, cứu hộ tối ưu nhất,” Đại tá Khương nhấn mạnh.
Đại tá Nguyễn Minh Khương cũng cho biết những “hành trình đặc biệt” như thế này giúp cán bộ, chiến sỹ Việt Nam tiếp cận, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cứu nạn, cứu hộ với các đoàn công tác quốc tế.
“Trong 10 ngày thực hiện nhiệm vụ, đoàn công tác của chúng tôi đã phối hợp với nhiều đội công tác đặc biệt của các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Uzbekistan, Trung Quốc… Đây là cơ hội để Đoàn Việt Nam học hỏi thái độ làm việc, trình độ tác nghiệp của các đội cứu hộ nước bạn. Đây cũng là dịp để chúng tôi nắm được ưu và nhược điểm của những trang thiết bị, phương tiện mới của nước bạn. Qua đó, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu, tính toán để đề xuất trang bị các loại thiết bị đó nhằm phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ với các tình huống tương tự xảy ra tại Việt Nam cũng như đi hỗ trợ quốc tế,” ông Khương nói.
Sau những ngày thực hiện nhiệm vụ đặc biệt tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại tá Nguyễn Minh Khương cùng 23 chiến sỹ bày tỏ niềm tự hào khi đã chứng minh với bạn bè quốc tế rằng người dân Việt Nam có thể thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ – với tinh thần kiên cường, không ngại khó khăn, gian khổ. Đoàn đã góp một phần sức lực nhỏ bé giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt những khó khăn trong hoạn nạn, góp phần xây dựng tình đoàn kết, mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia.
“Những ghi nhận, đánh giá cao của nhân dân, lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan của Thổ Nhĩ Kỳ là ‘tấm bằng khen’ quý báu đối với không chỉ riêng đoàn công tác mà còn khẳng định vị thế, tầm vóc, hình ảnh của con người, quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế,” Đại tá Nguyễn Minh Khương khẳng định./.
Theo Việt Anh
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH