Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, việc xây dựng các công trình, nhà xưởng sản xuất ngày càng lớn, để tạo thuận lợi cho chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn thiết kế trong quá trình xây dựng phương án thiết kế, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) hướng dẫn việc xác định các thông số cơ bản về quy mô của công trình như chiều cao PCCC, số tầng, diện tích và khối tích của công trình để có căn cứ thiết kế, trang bị phương tiện, hệ thống PCCC cho công trình đúng quy định.
- Chiều cao: Chiều cao quy định trong quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD và TCVN 3890:2023 là chiều cao PCCC của nhà, công trình (không tính tầng kỹ thuật trên cùng) được xác định như sau:
– Bằng khoảng cách lớn nhất tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép dưới của lỗ cửa (cửa sổ) mở trên tường ngoài của tầng trên cùng;
– Bằng một nửa tổng khoảng cách tính từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mặt sàn và đến trần của tầng trên cùng – khi không có lỗ cửa (cửa sổ).
– Lưu ý: Khi mái nhà được khai thác sử dụng thì chiều cao PCCC của nhà được xác định bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên tường bao của mái. Mái nhà được khai thác sử dụng là mái nhà có sự có mặt thường xuyên của con người (không ít hơn 2 giờ liên tục hoặc tổng thời gian không ít hơn 6 giờ trong vòng một ngày đêm); Khi xác định chiều cao PCCC thì mái nhà không được tính là có khai thác sử dụng nếu con người không có mặt thường xuyên trên mái; Khi có ban công (lô gia) hoặc kết cấu bao che (lan can) cửa sổ thì chiều cao PCCC được tính bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên của kết cấu bao che (lan can).
Hình ảnh 1: Minh họa việc xác định chiều cao PCCC và số tầng nhà khi tầng trên cùng là tầng kỹ thuật.
- Số tầng nhà: Số tầng của nhà bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng tum) và tầng bán/nửa hầm, không bao gồm tầng áp mái. Trong đó lưu ý:
– Tầng kỹ thuật là tầng hoặc một phần tầng bố trí các gian kỹ thuật hoặc các thiết bị kỹ thuật của tòa nhà. Tầng kỹ thuật có thể là tầng hầm, tầng bán hầm, tầng áp mái, tầng trên cùng hoặc tầng thuộc phần giữa của tòa nhà;
– Tầng áp mái là tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường bao (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5 m. Trường hợp tường bao cao hơn 1,5 m thì không được coi là tầng áp mái và tầng này phải được tính vào số tầng của nhà;
– Tầng nửa/bán hầm là tầng mà một nửa chiều cao của nó nằm trên hoặc ngang cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.
– Một số trường hợp tầng tum và tầng lửng không tính vào số tầng nhà:
+Tầng tum không tính vào số tầng nhà khi chỉ có chức năng sử dụng để bao che lồng cầu thang bộ/giếng thang máy và che chắn các thiết bị kỹ thuật của nhà (nếu có), có diện tích mái tum không vượt quá 30% diện tích sàn mái;
+ Đối với nhà ở riêng lẻ, tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi diện tích sàn tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới;
+ Đối với công trình nhà công nghiệp thì sàn giá đỡ và sàn lửng nằm ở cao độ bất kì không tính vào số tầng của công trình khi có diện tích không lớn hơn 40% diện tích 1 tầng của công trình đó;
+ Đối với các công trình nhà, kết cấu dạng nhà, công trình nhiều tầng có sàn (không bao gồm nhà ở riêng lẻ, nhà công nghiệp), tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (ví dụ: sàn kỹ thuật đáy bể bơi, sàn đặt máy phát điện, hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300 m2. Mỗi công trình chỉ được phép có một tầng lửng không tính vào số tầng của công trình.
Ví dụ: Nhà có 01 tầng nửa hầm, 20 tầng nổi, 01 tầng kỹ thuật (giữa tầng 10 và tầng 11) và 01 tum bố trí tum thang và phòng kỹ thuật thì số tầng cao của nhà có thể xác định theo một số trường hợp cụ thể như sau:
– Nếu tầng tum có diện tích không vượt quá 30% diện tích sàn mái thì số tầng cao của nhà là 22 tầng;
– Nếu tầng tum có diện tích vượt quá 30% diện tích sàn mái thì số tầng cao của nhà là 23 tầng.
Hình ảnh 2: Minh họa việc xác định chiều cao PCCC và số tầng nhà khi diện tích tầng tum lớn hơn 30% diện tích sàn tầng mái.
Hình ảnh 3: Minh họa việc xác định chiều cao PCCC và số tầng nhà khi công trình có tầng nửa hầm, tầng mái được khai thác sử dụng.
- Diện tích và khối tích
– Diện tích:
+ Diện tích của nhà, công trình được hiểu là tổng diện tích sàn của nhà, công trình/hạng mục công trình độc lập về kết cấu. Trường hợp các nhà đã bảo đảm về khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, thoát nạn và ngăn cháy lan, được kết nối với nhau bởi các lối đi (hành lang cầu) thì cho phép tính diện tích riêng biệt của từng nhà.
+ Diện tích của gian phòng được hiểu là diện tích của một phần tòa nhà được bao quanh bởi các bộ phận ngăn cháy với giới hạn chịu lửa: tường, sàn, vách ngăn – không thấp hơn EI 45. Trường hợp các gian phòng được ngăn cách bằng các kết cấu có giới hạn chịu lửa thấp hơn EI 45 thì diện tích của gian phòng là tổng diện tích các gian phòng này, đồng thời xem xét đến phần công năng của phòng có yêu cầu trang bị cao nhất theo quy định của tiêu chuẩn này.
– Khối tích: Khối tích của nhà, công trình được hiểu là khối tích của nhà, công trình/hạng mục công trình độc lập về kết cấu. Trường hợp các nhà đã bảo đảm về khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, thoát nạn và ngăn cháy lan, được kết nối với nhau bởi các lối đi (hành lang cầu) thì cho phép tính diện tích và khối tích riêng biệt của từng nhà./.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH