Tại địa bàn Quảng Nam, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra nhiều vụ cháy tại các địa bàn dân cư, trong đó, một số vụ cháy, nhờ sự có mặt kịp thời của lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ từ các mô hình “Tổ liên gia PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” đã kịp thời ứng cứu, hạn chế thiệt hại về người, tài sản.
Công an cơ sở thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị PCCC tại điểm chữa cháy công cộng.
Thực tế cho thấy, các mô hình “Tổ liên gia PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là tại các địa bàn miền núi xa xôi.
Đầu tháng 02/2023, tại huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đã xảy ra vụ cháy kinh hoàng thiêu rụi hoàn toàn 8 ngôi nhà, song, rất may 19 người, trong đó có nhiều người già, trẻ em đều thoát hiểm. Sự may mắn đó một phần nhờ việc cứu hộ kịp thời ngay trong đêm khuya của các lực lượng tại chỗ với các vật tư, phương tiện chữa cháy tại chỗ của 2 mô hình “Tổ liên gia PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đã được xây dựng, bố trí trước đó tại địa bàn. Anh A Lăng Tèo- Trưởng thôn, kiêm tổ trưởng tổ PCCC thôn A Râng, xã A Xan nhớ lại: “Hôm đó, giữa đêm khuya, nghe tiếng kêu cứu từ nhà anh A lăng Zang, tôi cùng tổ PCCC cơ sở, bà con tổ liên gia PCCC, các lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng và người dân khu vực xung quanh đã nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, xà beng, búa, kiềm cộng lực….chạy đến ứng cứu người và tài sản”.
Ông A Rất Blúi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết thêm: “Nếu hôm đó không có lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ của 2 mô hình ” Tổ liên gia PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” thì không xử lý được tình huống lúc đó và hậu quả khó lường. Rất may, lực lượng tại chỗ đã được tập huấn cách xử lý đám cháy nên đã nhanh chóng triển khai chữa cháy và cũng nhờ có các dụng cụ như bình chữa cháy, xà beng…. cạy bật các vách ngăn các ngôi nhà để vào trong kịp thời cứu người cũng như ngăn không cho cháy lan các căn nhà gần đó”.
Hơn 01 tháng sau vụ cháy kinh hoàng, hiện 19 nhân khẩu của 5 hộ gia đình tạm tá túc nhờ các gia đình bà con, láng giềng. Gia đình anh A Lăng Zang, nơi phát nguồn đầu tiên của vụ cháy kinh hoàng, mặc dù bị bỏng do cháy nhưng anh Zang và 05 người thân gia đình vẫn đang khỏe mạnh. Nhớ lại vụ cháy trong đêm, anh Zang vẫn chưa hết bàng hoàng. Với anh và bà con gặp nạn, việc được cứu sống là may mắn lớn nhất. “Lúc đó tầm 3 giờ sáng, lửa cháy lớn lắm, gia đình lại có cha, mẹ già đang nằm dưới nhà dưới bị cháy lớn, vợ chồng tôi không biết xử lý sao hết. Rất may có các anh Công an, bà con xung quanh đến chữa cháy, cạy cửa bồng cha mẹ tôi ra ngoài nên thoát chết”, A Lăng Zang chia sẻ.
Với địa bàn vùng cao, biên giới như Tây Giang, đồng bào có tập quán dựng nhà bằng vật liệu dễ cháy như tranh, nứa… hơn nữa vùng núi cao, thời tiết lạnh về đêm nên người dân thường đốt lửa sưởi ấm, do đó dễ dẫn đến cháy. Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” được triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về công tác PCCC cũng như kỹ năng xử lý đám cháy tại cơ sở, phát huy phương châm 4 tại chỗ ” lực lượng ở trong dân- phương tiện ở trong dân- hậu cần ở trong dân và chỉ huy ở trong dân” khi có sự cố cháy xảy ra. Hiện trên toàn địa bàn huyện Tây Giang đã xây dựng, triển khai 5 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại 5 xã; 24 mô hình “Điểm chữa cháy Cộng cộng” tại 24 thôn. Các mô hình này đã góp phần tích cực vào công tác phòng ngừa cháy tại địa bàn cơ sở.
Thiếu tá Ngô Văn Thìn – Phó trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết: “Tây Giang với địa bàn biên giới, miền núi, để xử lý sự cố cháy rừng trong mùa nắng, hanh khô, mùa đốt rẫy sắp đến thì lực lượng, phương tiện từ 2 mô hình này sẽ là lực lượng, phương tiện chính để góp phần phòng cháy, chữa cháy hiệu quả tại cơ sở. Chính vì thế, để phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC, tới đây, lực lượng Công an sẽ tiếp tục tham mưu triển khai xây dựng mô hình, khảo sát kỹ về địa bàn, đặc điểm của từng khu dân cư để triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia PCCC” 10/10 xã, mô hình “Điểm chữa cháy cộng cộng” tại 63/63 thôn; đồng thời tổ chức tập huấn thường xuyên cho lực lượng PCCC cơ sở, bà con nhân dân tham gia trong các tổ liên gia PCCC để nâng cao nhận thức, cách xử lý các tình huống cháy xảy ra”.
Lực lượng Công an hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị PCCC tại cơ sở.
Đến nay, lượng Công an Quảng Nam đã tham mưu xây dựng 43 “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 88 mô hình “Điểm chữa cháy cộng cộng” trên địa bàn toàn tỉnh. Chính nhờ hiệu quả qua việc xử lý các vụ cháy tại cơ sở trong thời gian qua trên địa bàn, các mô hình đã được người dân, chính quyền địa phương đồng thuận tham gia tích cực. Từ hiệu quả của các mô hình, Công an tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục tham mưu, triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.
Theo Xuân Mai (Công an TP Đà Nẵng)