Tỉnh Kiên Giang hiện có 5 cảng cá lớn, là nơi neo đậu của trên 9.000 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó, trên 3.000 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên đủ điều kiện vươn khơi đánh bắt xa bờ. Tàu cá Kiên Giang hoạt động thuộc 5 nhóm nghề chính, gồm: lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và hậu cần phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, các vụ cháy, nổ đối với phương tiện đánh bắt thủy sản và hậu cần nghề cá ít xảy ra. Tuy nhiên, do hoạt động dài ngày trên biển nên các tàu có công suất lớn phải dự trữ nhiều nguyên liệu, hàng hóa, như: dầu diesel, bình ắc quy, bình gas, thùng xốp, các loại ngư lưới cụ…là nguyên nhân tiềm ẩn xảy ra cháy, nổ. Ông Dương Tấn Tài, chủ phương tiện dịch vụ hậu cần nghề cá Trung Kiên, tại xã Bình An, huyện Châu Thành cho biết: “Giá trị mỗi chiếc tàu ít nhất là 3 tỷ đồng, mỗi chuyến ra ngư trường từ 5 – 7 ngày nên tàu phải vận chuyển khoảng 20.000 lít dầu và nhiều vật liệu khác…”. Do ý thức được việc bảo quản, giữ gìn tài sản của mình nên ông thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn thuyền viên các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ chữa cháy đặt ở trước cabin, hầm máy và sau lái; nếu có sự cố xảy ra thì tiến hành cứu chữa kịp thời.
Tuy nhiên, theo Ông Nguyễn Văn Thuấn – Phó trưởng Phòng Hạ tầng và Môi trường, Ban Quản lý Cảng cá Kiên Giang cho biết: “Thực tế vẫn còn không ít ngư dân chủ quan, lơ là trong việc bảo quản, sử dụng điện, nhiên liệu, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; trang bị chưa đầy đủ các dụng cụ chữa cháy chuyên dùng; thiếu kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ dẫn đến thiết bị phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo yêu cầu. Nên khi xảy ra tình huống bất ngờ, nếu không cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến thiệt hại đáng kể về người và tài sản”.
Điển hình như vụ cháy tàu cá xảy ra vào lúc 23 giờ 50 phút, ngày 13/3/2023, trên vùng biển xã Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, do tàu đang chứa 10.000 lít dầu, trên tàu thiếu thiết bị chuyên dụng và neo đậu cách bờ khá xa nên đám cháy bùng phát dữ dội, 05 thuyền viên thoát nạn nhưng tàu cá bị cháy rụi hoàn toàn, tài sản thiệt hại khoảng 15 tỉ đồng. Nguyên nhân được xác định là do chập điện.
Mặc khác, vào những lúc cao điểm như Lễ, Tết hoặc đến mùa mưa bão có trên 50 phương tiện vào bờ, trong khi diện tích cầu cảng khoảng 500 m, các phương tiện neo đậu sát nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn, lực lượng ở lại giữ tàu khá mỏng nên khi xảy ra cháy sẽ gây khó khăn trong việc sơ tán, cứu chữa và đặc biệt là dễ dẫn đến nguy cơ cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết thêm: “Ban quản lý cũng đã thành lập đội PCCC gồm 04 tổ trên 35 thành viên, tổ chức ứng trực 24/24h sẵn sàng xử lý tình huống khi có cháy xảy ra; thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền về công tác PCCC cho ngư dân tại cảng và trên hệ thống loa truyền thanh chạy dài theo cầu cảng. Qua đó, khuyến cáo ngư dân tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, thiết bị điện trên tàu, hạn chế thấp nhất các trường hợp xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo các chuyên gia phòng cháy, chữa cháy, mặc dù hiện tại còn nhiều phương tiện chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC nhưng về lĩnh vực quản lý nhà nước lại thiếu văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về việc quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý. Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh và chặt chẽ cho công tác đảm bảo an toàn PCCC trên tàu đánh bắt thủy sản và hậu cần nghề cá nhằm khắc phục, giảm dần những nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng về cháy, nổ.
Qua khảo sát, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ phương tiện và các thuyền viên trên tàu những kiến thức cơ bản về PCCC&CNCH; các biện pháp và kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; kỹ năng thoát nạn trong đám cháy; phương pháp di chuyển người bị nạn; kỹ năng sơ cấp cứu người bị nạn; tính năng, tác dụng, cách kiểm tra, bảo quản và sử dụng phương tiện, dụng cụ PCCC. Đồng thời, nhắc nhở chủ phương tiện về các điều kiện an toàn PCCC&CNCH, như: thường xuyên kiểm tra vệ sinh khu vực hầm máy; thiết bị chứa xăng dầu; việc quản lý, sử dụng hệ thống thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hóa chất dễ cháy, nổ; giải pháp ngăn cháy lan, thoát nạn; trang bị và duy trì hoạt động của thiết bị PCCC&CNCH.
Qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với chủ phương tiện và thuyền viên trong việc trang bị, sử dụng thiết bị PCCC và CNCH, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế thấp nhất xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản./.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH