Kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng hàng ngày đối với máy bơm chữa cháy là công việc rất quan trọng để duy trì chất lượng tốt nhất của phương tiện, bảo đảm công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy; công việc này không chỉ đảm bảo cho máy bơm luôn vận hành ổn định mà còn giúp phát hiện sớm lỗi kỹ thuật, hư hỏng, đồng thời kéo dài tuổi thọ của phương tiện. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế đối với các cơ quan, tổ chức, cơ sở được trang bị máy bơm chữa cháy thì việc nắm bắt nội dung kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng hàng ngày đối với máy bơm chữa cháy của cán bộ được giao quản lý, vận hành còn rất nhiều hạn chế, nhiều cán bộ không nắm được nội dung kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng.
Vậy, nội dung kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng hàng ngày đối với máy bơm chữa cháy được quy định như thế nào, chúng ta cùng tiểm hiểu dưới đây.
Theo quy định tại Phục lục I, Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05/02/2021 của Bộ Công an quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì việc kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng hàng ngày đối với máy bơm chữa cháy được quy định như sau:
* Kiểm tra trực quan:
– Toàn bộ các mũ ốc, vít;
– Mức nhiên liệu, dầu bôi trơn bảo đảm đủ, sạch, không bị rò rỉ;
– Hệ thống dây dẫn điện, bình ắc quy;
– Tình trạng bộ phận dẫn động bơm gây chân không mồi nước;
– Ống hút nước không bị cong gập, thủng, có đủ gioăng, đệm, các đầu nối khi lắp vào nhẹ nhàng, kín.
*Kiểm tra hoạt động:
+ Tình trạng hoạt động của động cơ máy bơm (Khởi động động cơ bơm, cho khởi động động cơ ở tốc độ không tải tối đa từ 02 phút đến 03 phút);
+ Tình trạng hoạt động của máy bơm chữa cháy tại nơi có nguồn nước, triển khai ống hút. Đóng kín van họng phun. Khởi động động cơ (sử dụng hệ thống khởi động bằng điện hoặc dây giật tự cuốn), khi máy nổ thì tăng dần ga, đồng thời thực hiện thao tác hút nước. Quan sát đồng hồ chân không và đồng hồ áp lực nước (nếu trong vòng 30 giây mà hút nước không lên thì phải tắt máy và kiểm tra, sửa chữa khôi phục độ kín của bơm mới được tiếp tục thao tác hút nước). Khi thấy nước chảy qua bơm gây chân không thành dòng liên tục đồng thời kim đồng hồ áp lực nước tăng lên từ 02 bar đến 03 bar thì ngắt bơm chân không, từ từ tăng ga và mở van họng phun nước. Trong quá trình vận hành bơm, luôn duy trì áp suất nước không thấp hơn 4bar để bảo đảm làm mát cho bơm (đối với máy bơm làm mát bằng nước);
+ Thời gian khởi động động cơ hàng ngày tối đa một lần trong 03 phút (nếu không phun, hút nước) hoặc 15 phút (nếu có hút, phun nước). Khi nhiệt độ môi trường trong ngày thấp hơn 10°C, việc khởi động động cơ được thực hiện 02 lần/ngày, kiểm tra tình trạng kỹ thuật và bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất. Trong quá trình sử dụng không điều chỉnh cần điều khiển bộ điều tốc vì sẽ làm hư hỏng động cơ máy bơm. Đối với các máy bơm chữa cháy có lắp công tắc cảnh báo quá nhiệt động cơ, phải luôn để công tắc ở vị trí mở “ON”.
*Bảo dưỡng hàng ngày:
– Vệ sinh, làm sạch bề mặt các chi tiết máy, hệ thống bơm chữa cháy và các van hút, phun nước, van luân lưu làm mát….
– Bắt chặt các bộ phận, các mối liên kết, các chi tiết, các đầu dây điện.
– Bắt chặt bình điện với giá đỡ, bắt chặt các cực của ắc quy, sạc lại bình ắc quy ngay sau mỗi lần sử dụng (đối với ắc quy không nạp điện trực tiếp từ động cơ).
– Bổ sung dầu bôi trơn cho bơm gây chân không (nếu có) bằng dầu phù hợp trong và sau khi sử dụng./.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH