Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về điện sau công tơ, các quy định về giảm, ngừng cấp điện đối với các công trình, dự án vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
Chiều 19/4/2023, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tăng cường công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn chủ trì Hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, Đại tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, từ năm 2018 đến hết ngày 14/3/2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.044 vụ cháy, nổ; Trong đó, có 1.562 vụ có liên quan đến hệ thống điện (chiếm 76,4% tổng số vụ cháy), gồm 16 vụ cháy lớn, 11 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 2 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 325 vụ cháy trung bình… làm 34 người chết, 62 người bị thương; Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 180 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tính từ năm 2018 đến nay, thành phố đã thành lập 35 đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với 425 cơ sở, qua đó phát hiện và kiến nghị 868 tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy, lập 160 biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ban hành 160 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hàng tỷ đồng.
Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với EVN Hà Nội tổ chức hơn 350 lớp tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy với gần 7.000 người tham dự…
Đại tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH báo cáo tại Hội nghị.
Về các khó khăn vướng mắc, Đại tá Phạm Trung Hiếu cho biết, việc xử lý cưỡng chế, chế tài xử lý của nhà nước đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xây dựng, hoạt động không phép, trái phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất, công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy… không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy, đang rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn.
Từ những khó khăn, bất cập, TP Hà Nội kiến nghị cần sửa đổi Luật Phòng cháy và chữa cháy sát với thực tiễn, thực trạng, tình hình và dự báo xu hướng phát triển các loại hình cơ sở phát sinh yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với định hướng, cơ cấu phát triển của nền kinh tế – xã hội Việt Nam (đặc biệt là kinh tế hộ gia đình và tư nhân); Quy định làm rõ trách nhiệm của các chủ thể và cá nhân theo hướng tăng mức quy định về việc chịu trách nhiệm cho người đứng đầu, chủ cơ sở, chủ hộ gia đình phải tuân thủ pháp luật và tự chịu trách nhiệm trong việc đầu tư, xây dựng và quản lý khi công trình đi vào hoạt động;
Ngoài ra, cần sửa đổi Luật Điện lực theo hướng quy định thống nhất với Luật Phòng cháy và chữa cháy về biện pháp ngăn chặn ngừng cấp điện đối với các dự án, công trình đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, trong khi chờ sửa đổi các văn bản pháp luật, cần có giải pháp linh hoạt nhằm khắc phục ngay công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện.
Thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về điện sau công tơ, các quy định về giảm, ngừng cấp điện đối với các công trình, dự án vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các đoàn thể cần đề ra nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, thể hiện rõ trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức tổng kiểm tra phòng cháy, chữa cháy theo từng nhóm. Người đứng đầu các đơn vị phải tổng kiểm tra địa bàn mình phụ trách, hướng dẫn các cơ sở khắc phục, xử lý vi phạm./.
Theo Công an TP Hà Nội