Chiều 26/4, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối với 12 huyện thành trên địa bàn tỉnh tổng kết công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và triển khai Kế hoạch số 875/KH-UBND ngày 9/2/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Bùi Đức Thịnh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị tại đầu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở ngành, lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đại diện lãnh đạo các Ban Quản lý bảo vệ rừng.
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Bùi Đức Thịnh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2022, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản Nhà nước, Nhân dân và phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng.
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy; trong đó, có 5 vụ cháy nhà ở đơn lẻ, 2 vụ cháy trụ sở làm việc, 5 vụ cháy phương tiện giao thông, 3 vụ cháy nông trại canh nông, 2 vụ cháy cơ sở kinh doanh; làm 1 người chết, không có người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4 tỷ 973 triệu đồng, tổng diện tích cháy khoảng 2.492m².
Về công tác cứu nạn, cứu hộ, lực lượng chức năng đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ 18 vụ tai nạn, sự cố; cứu 19 người, tìm kiếm 14 thi thể nạn nhân, trục vớt 1 xe ô tô bàn giao cho cơ quan chức năng.
Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để các đơn vị, địa phương trao đổi những tồn tại trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, một số đơn vị, địa phương như: Chi cục Kiểm lâm, Chợ Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), Sở Xây dựng, Đà Lạt… cũng được chủ trì hội nghị yêu cầu tham gia ý kiến, trình bày tham luận về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về chữa cháy rừng, công tác phòng cháy chữa cháy ở chợ, công tác phòng cháy chữa cháy ở chung cư, các cơ sở kinh doanh karaoke…
Đặc biệt, sau khi lắng nghe những ý kiến trao đổi về công tác phòng cháy chữa cháy rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chỉ đạo: Các Ban Quản lý bảo vệ rừng, công ty lâm nghiệp và các địa phương trong thời gian tới phải xác định rõ trách nhiệm của từng cấp nếu để xảy ra cháy rừng.
Đồng chí cũng gợi ý, công tác tổ chức trực phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý hệ thống camera giám sát ở các địa phương, cần phải có phối hợp để trực và khai thác camera này hiệu quả. Chi Cục Kiểm lâm cần kiện toàn lại trang thiết bị chữa cháy rừng, trang bị đầy đủ đèn pin, dao phát, bình xịt… và phải gói thành bộ dụng cụ chữa cháy để khi có sự cố xảy ra không bị động về trang thiết bị chữa cháy và đảm bảo các điều kiện tối thiểu để tham gia chữa cháy.
Đồng chí nêu rất nhiều những bất cập còn tồn tại trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô trong thời gian qua và yêu cầu rút kinh nghiệm, khẩn trương tổ chức, kiện toàn lại để công tác chữa cháy rừng hiệu quả hơn.
Đối với công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở khu dân cư, đồng chí nhắc nhở, lãnh đạo các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy; không được phó mặc hết cho lực lượng phòng cháy chữa cháy. Tại các chợ, trung tâm thương mại, kể cả các chợ cấp xã…, lực lượng chức năng tiếp tục quan tâm rà soát, yêu cầu tiểu thương tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, quy định trong sắp xếp các gian hàng, đường đi, lối thoát hiểm phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Báo cáo về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng chia sẻ những vấn đề tồn tại, đặc biệt là tại các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, khu chung cư, nhà trọ. Đồng chí cũng cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường hướng dẫn các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng các phương án đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy tại chỗ để nâng cao trách nhiệm cũng như hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Đức Thịnh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy thì phải xây dựng phong trào này trở thành phòng trào của toàn dân. Lực lượng Công an sẽ luôn đặt mục tiêu, trách nhiệm phục vụ Nhân dân lên hàng đầu. Đồng chí cũng cho biết, thời gian qua, Công an tỉnh cũng đã lắng nghe và tập hợp các nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, cơ sở về những quy định an toàn phòng cháy chữa cháy để kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết.
Lãnh đạo Công an tỉnh cũng sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng phải tận tình hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về các thủ tục, điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tập trung vào xây dựng phương châm “4 trong dân” và đề nghị các địa phương quan tâm phối hợp xây dựng các phương án điểm để người dân cùng tham gia, cùng xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra một cách tốt nhất.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua được quan tâm triển khai thực hiện. Trên địa bàn tỉnh cũng có xảy ra một số vụ cháy rừng, nhưng lực lượng chữa cháy rừng cũng đã tích cực tham gia chữa cháy trong điều kiện phương tiện còn hạn chế.
Tuy nhiên, đồng chí đánh giá công tác phòng cháy chữa cháy vẫn còn nhiều tồn tại. Ở một số địa phương, công tác này còn thờ ơ, một số địa phương còn phó mặc cho lực lượng Công an, Kiểm lâm; lãnh đạo địa phương còn lúng túng trong việc chỉ đạo, dẫn đến chưa chủ động tham gia tổ chức, điều động, tham mưu công tác phòng cháy chữa cháy.
Đồng chí đề nghị ngành tài chính quan tâm, cân đối tài chính để có thể trang bị thêm thiết bị chữa cháy cần thiết cho lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng khác.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới, đồng chí cũng đề nghị Công an tỉnh tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, các chợ, trung tâm thương mại, tổ chức, cá nhân về công tác phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm… trên cơ sở tạo điều kiện cho người dân đủ điều kiện an toàn để kinh doanh, hoạt động. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân về công tác chữa cháy, thoát nạn đề phòng khi cháy nổ xảy ra…/.
Theo Nguyễn Nghĩa
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH