Bến Tre là một trong 13 tỉnh châu thổ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là “Xứ sở dừa Việt Nam” mang đặc trưng của sông nước miệt vườn Nam Bộ được hợp thành bởi ba dãy cù lao và có hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch dày đặc. Do đó, luôn tiềm ẩn những nguy cơ dễ dẫn đến tai nạn đuối nước, đặc biệt là xảy ra đuối nước ở trẻ em.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tìm thấy nạn nhân đuối nước.
Theo thống kê sơ bộ của Công an tỉnh Bến Tre trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 10 vụ đuối nước, làm 10 người chết. Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng tránh nhưng số vụ và số người chết do đuối nước vẫn không ngừng gia tăng.
Tình hình trên là rất đáng lo ngại, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, phổ biến nhất là do sự chủ quan của người lớn đối với những nguy cơ gây đuối nước ở trẻ. Nhiều bậc phụ huynh thờ ơ, thiếu sự quản lý, giám sát để cho trẻ em tự do vui chơi tại những vực nguy hiểm như: ao, hồ, sông, rạch. Ngoài ra, môi trường sống xung quanh cũng có những nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ như: bể nước, giếng nước không có nắp đậy an toàn, các hố công trình xây dựng không có rào chắn hoặc biển cảnh báo nguy hiểm. Một phần do trẻ không biết bơi hoặc có trường hợp mặc dù biết bơi nhưng các em chưa có kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra đuối nước. Phần lớn vụ đuối nước là do các em rủ nhau đi bơi, đi tắm, đi chơi gần khu vực có nước và chẳng may bị trượt chân, vào thời gian nghỉ học ở nhà, không có sự giám sát, quản lý của người lớn và nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước rất cao.
Thời gian tới, dự báo tình trạng đuối nước trẻ em sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khi thời tiết bước vào cao điểm nắng nóng, các em học sinh được nghỉ hè. Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – Công an tỉnh khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa đuối nước ở trẻ em như sau: gia đình và nhà trường cần dạy cho trẻ em biết được mối nguy hiểm của đuối nước, không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố; không được đi tắm, bơi ngoài sông, ao, hồ mà không có người lớn biết bơi đi kèm; các cơ quan chức năng cần có các biển cảnh báo, biển cấm và các giải pháp để bảo đảm an toàn như làm rào chắn, chặn lối vào các khu vực dễ xảy ra đuối nước như: sông, suối, ao, hồ, hố sâu, nơi dễ bị trượt, ngã nguy hiểm; gia đình và nhà trường tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ em, trang bị cho trẻ em những kiến thức cần thiết để cứu mình khi bị rơi xuống nước; phụ huynh (người lớn) cần trang bị cho mình về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, lấy dị vật đường thở…để có thể sơ cứu người bị đuối nước.
Đối với trẻ vị thành niên không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó cạn hay sâu; mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền; không ăn no trước khi bơi xuống nước; chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát; chú trọng những kỹ năng thoát hiểm khi gặp phải vùng xoáy, dòng chảy mạnh, tuyệt đối không bơi ngược dòng nước; đối với người biết bơi hãy bơi ngang hoặc theo hướng chéo xuôi theo dòng chảy, sau đó bơi vòng cung dần tiến vào bờ; đối với người không biết bơi hoặc đã đuối sức hãy thả lỏng và giữ cho cơ thể nổi, trôi theo dòng nước, đến khi thấy dòng chảy đã yếu thì cố gắng bơi chéo tách khỏi dòng chảy và bơi vòng vào bờ hoặc ra hiệu cho cứu hộ hoặc mọi người ứng cứu.
Hướng dẫn phổ cập bơi cho trẻ em.
Để hạn chế số vụ tai nạn thương tâm do đuối nước gây ra đối với các em học sinh, chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm tạo nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh để các em có thể tham gia mỗi dịp nghỉ hè, tránh việc các em tự ý tìm đến chơi đùa tại các nơi quy hiểm. Thường xuyên chú ý rà soát đến các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, các khu vực nước sâu, nước xoáy, nước chảy xiết để đặt các biển cảnh báo, nhắc nhở các em tránh những khu vực đó. Đối với nhà trường cần chú ý tuyên truyền về tai nạn đuối nước để các em học sinh nâng cao ý thức phòng tránh; tổ chức tập huấn cho học sinh về kỹ năng bơi và cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước xảy ra. Đặc biệt, gia đình cần phải chú ý, quan tâm các em hơn nữa, quản lý các em một cách chặt chẽ, không để các en tự ý đi tắm sông, tắm biển khi không có người lớn trông coi. Đồng thời, thường xuyên giáo dục, nhắc nhở các em nên ý thức nhận biết được các mối nguy hiểm do tắm sông, tắm biển gây ra để tự bảo vệ mình. Thêm vào đó cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các lực lượng Công an với các sở, ban, ngành có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến những kiến thức và kỹ năng cứu nạn, cứu hộ nhằm phát huy có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra sự cố đuối nước, đặc biệt là đuối nước trẻ em./.
Theo Minh Thơ
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH