Trên địa bàn tỉnh, nhiều khu vực dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (SXKD), nhà ở cao tầng, các nhà máy SXKD tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các địa phương tồn tại nhiều thiếu sót. Đặc biệt, việc cung cấp nước cho các trụ nước phục vụ công tác chữa cháy còn bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động PCCC.
Lực lượng chức năng kiểm tra tình trạng hoạt động của trụ nước chữa cháy tại xóm Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu).
1/3 trụ nước “khô họng”
Thực tế đó đang diễn ra ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh, đặc biệt trên địa bàn TP Hòa Bình. Theo đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình, hiện trên địa bàn thành phố có 168 trụ lấy nước phục vụ công tác chữa cháy. Trong đó, tại các khu công nghiệp 17 trụ, các khu dân cư (KDC) 151 trụ. Qua rà soát có 58 trụ hỏng không hoạt động. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác ứng cứu, xử lý tình huống khi có cháy xảy ra.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) – Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 252 trụ nước chữa cháy, gồm: 173 trụ nước chữa cháy đô thị thuộc quản lý của Công ty Cổ phần nước sạch Hòa Bình, 42 trụ nước chữa cháy ở KDC, 37 trụ nước chữa cháy ở các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, TP Hòa Bình nhiều nhất với 168 trụ, huyện Lương Sơn 40 trụ, huyện Lạc Sơn 15 trụ, huyện Mai Châu 13 trụ, huyện Cao Phong 10 trụ, huyện Yên Thủy, Lạc Thủy mỗi huyện 3 trụ. Tuy nhiên, chỉ 175 trụ có nước đảm bảo phục vụ công tác chữa cháy; 77 trụ không có nước hoặc không vận hành được, chiếm 30,5%. Cụ thể, TP Hòa Bình 110/168 trụ có nước, đảm bảo phục vụ công tác chữa cháy; huyện Lương Sơn 38/40 trụ, huyện Cao Phong 9/10 trụ, huyện Yên Thủy 2/3 trụ có nước phục vụ công tác chữa cháy…
Cần chấn chỉnh, khắc phục ngay
Trong 77 trụ không có nước hoặc không vận hành được có 6 trụ bị hỏng van ty, rò nước; 13 trụ bị mất nắp đậy; 6 trụ bị mất van khóa tay vặn; 8 trụ chưa lắp đầu chuyển đổi; 8 trụ bị vùi lấp hoặc xây lấp một phần thân trụ, họng ra nước; 2 trụ bị gãy, rò nước phải đóng van khởi thủy. Theo Thượng tá Trần Anh Tuấn – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là một số trụ nước đang bị đóng van khởi thủy cấp nước vào trụ, do quá trình làm đường, vỉa hè, cống thoát nước, các đơn vị thi công đã xây lấp mất phần hố van nên chưa tìm lại được để mở. Thêm nữa, các trụ nước chữa cháy đã tồn tại từ lâu, là loại trụ kiểu cũ, van khóa bị hỏng, kẹt không mở được.
Hiện nay, phần lớn hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị thuộc quản lý của Công ty Cổ phần nước sạch Hòa Bình. Tại TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn, Cao Phong duy trì cấp nước 24/24 giờ trong ngày. Tại các huyện còn lại do nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân còn thấp, hệ thống mạng lưới đường ống hạn chế nên đơn vị cung cấp chỉ mở cấp nước vào các giờ cao điểm trong ngày, dẫn đến các trụ nước phục vụ công tác chữa cháy không được duy trì có nước đảm bảo 24/24 giờ. Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: Thực tế trên gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chữa cháy khi có tình huống xảy ra, bởi hầu như các vụ cháy đều phải dùng nước để chữa cháy. Những năm gần đây, quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh diễn ra mạnh mẽ, nhiều khu, cụm công nghiệp phát triển, đô thị hóa ngày càng mở rộng; hệ thống ao, hồ tự nhiên bị san lấp… làm cho hệ thống cấp nước chữa cháy tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Do vậy, các trụ nước chữa cháy đóng vai trò quan trọng và cấp thiết. Đây là thiết bị PCCC đặc biệt quan trọng, là nguồn tiếp nước dập lửa duy nhất trong nhiều trường hợp hỏa hoạn. Mỗi xe chữa cháy chỉ chứa được 3 – 5m³ nước, trong thời gian ngắn sẽ sử dụng hết lượng nước trong xe. Khi đó, để chữa cháy phải dựa hoàn toàn vào nguồn nước xung quanh. Trong khi không phải ở nơi nào xảy ra cháy cũng có và ở gần nguồn nước. Chính vì vậy, trụ nước chữa cháy là giải pháp tốt nhất, dự trữ nguồn nước sẵn sàng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Tình trạng trụ nước không có nước hoặc không vận hành được trên địa bàn tỉnh chiếm tới hơn 30% khiến công tác PCCC bị động, gây rất nhiều khó khăn, hạn chế cho công tác dập lửa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số vụ cháy xảy ra tình trạng cháy lan, cháy lớn trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. “Do vậy, mong rằng các cơ quan quản lý có trách nhiệm sớm có biện pháp sửa chữa, khắc phục những hư hỏng, thay thế, khôi phục các trụ nước bị hư hỏng để luôn đảm bảo sẵn sàng trong ứng cứu, chữa cháy khi có tình huống xảy ra”, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm./.
Theo Mạnh Hùng
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH