Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Qua đánh giá, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy phần lớn là do ý thức phòng ngừa, chấp hành các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) của người dân còn hạn chế. Do vậy, để mỗi ngôi nhà, khu dân cư (KDC) an toàn trước “giặc lửa” thì việc nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ của mỗi người dân được xem là “tấm lá chắn” hữu hiệu nhất…
Lực lượng dân phòng tổ 8, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) thực hành xử lý tình huống cháy xảy ra tại khu dân cư.
Vẫn còn chủ quan, lơ là với “giặc lửa”
Theo thống kê của lực lượng chức năng, 9 tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ cháy, làm 3 người chết, 5 người bị thương, thiệt hại về tài sản 3,235 tỷ đồng và 5,7ha rừng. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 19 vụ, tăng 3 người chết, tăng 5 người bị thương.
Điều đáng nói, trong các vụ cháy xảy ra có trên 95% vụ (22/23 vụ) xuất phát từ sự chủ quan, lơ là của người dân trong sử dụng thiết bị điện và các nguồn phát sinh nhiệt nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời. Điển hình như vụ cháy xảy ra vào đêm 15/7/2023 tại căn nhà 4 tầng trên đường Lạc Long Quân, thuộc tổ 14, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) làm 3 người chết, 3 người bị thương.
Mặc dù tình hình cháy diễn biến hết sức phức tạp nhưng vẫn có nơi, có lúc ý thức phòng ngừa cháy nổ của người dân còn lơ là, chủ quan. Việc chấp hành các quy định về PCCC mang tính đối phó. Như mới đây, ngay sau khi xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh đã tiến hành rà soát, kiểm tra đột xuất về điều kiện an toàn PCCC&CNCH đối với các cơ sở tập trung đông người ở và có nguy hiểm về cháy nổ cao trên địa bàn tỉnh, gồm khu nhà ở xã hội DH12; khu nhà ở xã hội Sao Vàng và các cơ sở trường học có ký túc xá trên địa bàn tỉnh, các trường dân tộc nội trú THCS và THPT. Qua kiểm tra đã ghi nhận nhiều tồn tại, thiếu sót về an toàn PCCC.
Đặc biệt là tại các khu nhà ở cao tầng trên địa bàn các phường: Hữu Nghị, Tân Thịnh và Thịnh Lang. Tại các căn hộ trong khu nhà có nhiều chất cháy. Thường xuyên sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt để đun nấu, sinh hoạt; hệ thống điện được lắp đặt từ khi xây dựng đã xuống cấp, tự ý cải tạo, đấu nối, câu mắc chưa đảm bảo an toàn PCCC. Mặt khác, các công trình này có số lượng người sinh sống, làm việc đông, thuộc nhiều độ tuổi, thành phần khác nhau. Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Nếu xảy ra cháy, nổ sẽ ảnh hưởng lớn đến tính mạng, tài sản của người dân. Các khu nhà tập thể này được xây dựng từ hàng chục năm trước nên không được trang bị các hệ thống, thiết bị PCCC, làm “chuồng cọp”, “lồng sắt” ngoài ban công hoặc rào chắn trên hành lang vào các căn hộ gây cản trở khả năng thoát nạn và hoạt động tiếp cận, cứu chữa của lực lượng chức năng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
“Tấm lá chắn” hữu hiệu trong phòng ngừa “giặc lửa”
Theo Đại tá Bùi Văn Giang, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy phần lớn được xác định là do ý thức chấp hành các quy định về PCCC của người dân còn hạn chế, nhất là trong sử dụng các thiết bị điện hoặc sử dụng nguồn nhiệt. Xuất phát từ thực tế đó, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa cháy, nổ của người dân. Từ đó, giúp mỗi người cẩn trọng hơn trong sử dụng, kiểm tra, nâng cấp các thiết bị điện, hệ thống dây dẫn điện, trong sử dụng nguồn nhiệt; trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn về PCCC&CNCH; ý thức hơn trong việc phòng chống cháy, nổ khi tự trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố….
Trên tinh thần đó, thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực, các cơ quan chức năng đã phát động sâu rộng phong trào “Toàn dân PCCC”. Trong đó đã tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC. Từ đầu năm đến nay đã đăng tải hàng trăm tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 10.796 lượt tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh cơ sở; gửi 45.500 lượt tin nhắn SMS đến số điện thoại người dân; tuyên truyền trên zalo, facebook 625 lượt.
Lực lượng Công an các cấp tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn cho 127.194 thành viên hộ gia đình có nhà để ở kết hợp SX-KD; vận động 1.683 hộ mở lối thoát nạn thứ 2; tuyên truyền, vận động 66.857/219.399 hộ tự trang bị bình chữa cháy; thành lập 1.395 đội dân phòng ở 1.482 KDC; xây dựng 262 “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và 189 “Điểm chữa cháy công cộng”.
Ngoài ra, toàn tỉnh xây dựng và duy trì hoạt động 761 tổ dân cư tự quản và 115 tổ ANTT, xây dựng mô hình “KDC an toàn PCCC” ở 10/10 huyện, thành phố; xây dựng 1 “Khu nhà trọ an toàn PCCC”, 1 mô hình “Chung cư an toàn PCCC”, 1 “Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC”; xây dựng 10 phương án chữa cháy đối với KDC có nguy cơ cháy, nổ cao và 66 phương án chữa cháy đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; phối hợp tổ chức thực tập 4 phương án chữa cháy đối với KDC có nguy cơ cháy, nổ cao và 26 phương án chữa cháy đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ trong KDC…
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCCC&CNCH cũng như góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất. Từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy, nổ ngay từ người dân tại mỗi gia đình và KDC./.
Mạnh Hùng (Công an tỉnh Hòa Bình)
Theo nguồn: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH