Chiều ngày 17/10/2023, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó trưởng Khoa Cơ sở ngành PCCC đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Vật liệu và linh kiện nano tại Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tới dự buổi lễ bảo vệ có đồng chí Đại tá, PGS, TS Lê Quang Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường, toàn thể giảng viên Khoa Cơ sở ngành PCCC, đồng nghiệp và gia đình bạn bè của nghiên cứu sinh (NCS).
Hội đồng đánh giá luận án có mặt 07/07 thành viên do PGS, TS. Nguyễn Phương Hoài Nam làm Chủ tịch Hội đồng. Tên đề tài luận án “Nghiên cứu chế tạo hạt nano Ag Au và nanôcomposite Au/TiO2 bằng phương pháp tương tác plasma – chất lỏng và khảo sát một số tính chất của chúng” do PGS, TS. Nguyễn Thế Hiện – Trường Đại học Công nghệ và TS Hoàng Tùng – Viện Khoa học công nghệ hướng dẫn.
Đại tá, PGS, TS Lê Quang Hải cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo nhà trường, nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Khoa Phòng cháy tặng hoa chúc mừng nghiên cứu sinh.
Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Thi Thu Thủy trình bày tóm tắt kết quả luận án, 03 Uỷ viên Phản biện đã đọc bản nhận xét đánh giá luận án. Các thành viên khác của Hội đồng tiếp tục đưa ra những ý kiến nhận xét, góp ý và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các nội dung chuyên môn của luận án.
Hội đồng đã thảo luận và thống nhất: hình thức và nội dung của luận án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một luận án tiến sĩ, chuyên ngành: Vật liệu và linh kiện nano với số phiếu tán thành là 07/07. Thay mặt Hội đồng, PGS, TS. Nguyễn Phương Hoài Nam – Chủ tịch Hội đồng đã đọc bản Quyết nghị của Hội đồng, theo đó luận án đã nêu rõ được những kết quả chính, những đóng góp mới của luận án cho khoa học và thực tiễn.
Theo đó, luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Thủy đã chế tạo thành công hạt nano Ag, Au và nano composite AuTiO2 bằng phương pháp tương tác plasma – chất lỏng. Đây là một trong những kỹ thuật chế tạo vật liệu nano còn rất mới ở Việt Nam và tiên tiến hiện đại trên thế giới. Với việc sử dụng hệ tương tác plasma. – chất lỏng thì các hạt nano chế tạo được có những tính năng ưu việt hơn hẳn các hạt nano chế tạo bằng các phương pháp khác như: kích thước hạt đồng đều hơn, phân tán tốt hơn, khả năng diệt khuẩn tốt hơn, hoạt tính quang xúc tác được cải thiện tốt hơn. Ngoài ra quy trình chế tạo thân thiện với môi trường, dễ dàng đưa vào sản xuất công nghiệp.
Lãnh đạo, giảng viên Khoa Cơ sở ngành tặng hoa chúc mừng nghiên cứu sinh.
Với việc bảo vệ thành công trước Hội đồng cấp Đaị học quốc gia Hà Nội, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Thủy xứng đáng nhận học vị Tiến sĩ. Hội đồng đã đề nghị Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội cấp bằng Tiến sĩ, chuyên ngành Vật liệu và linh kiện nano cho nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Thủy.
Tuấn Tú (Khoa Cơ sở ngành PCCC)