Xác định rõ tầm quan trọng của công tác PCCC, trong đó phòng cháy là cốt lõi, mà công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC là biện pháp nghiệp vụ cơ bản, phòng ngừa đầu tiên, mang tính khoa học kỹ thuật chuyên sâu về PCCC, ngay từ năm 1961 nhà nước đã quy định công tác thỏa thuận thiết kế và thiết bị PCCC tại Pháp lệnh quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác PCCC và đến năm 2001 đã quy định công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC tại Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC là một trong những khâu quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về PCCC, là một trong những điều kiện tiên quyết, là căn cứ để cấp phép quy hoạch, cấp phép xây dựng và chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu tổng thể báo cáo cơ quan quản lý xây dựng trước khi đưa công trình vào hoạt động. Chính vì vậy, trong những năm qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác này. Trải qua các thời kỳ, công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC ngày càng có những đổi mới căn bản, cụ thể chỉ cấp văn bản chứng nhận thẩm duyệt thiết kế đối với các dự án, công trình khi hồ sơ thiết kế đã đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định (không có tình trạng vừa cấp giấy vừa kiến nghị chỉnh sửa hồ sơ, bản vẽ); chỉ xác nhận nghiệm thu đối với các dự án, công trình thi công đảm bảo theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt, đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định.
- Thống kê và dự báo tình hình phát triển dự án đầu tư xây dựng
Trong 05 năm (từ ngày 01/8/2016 đến ngày 31/7/2021) lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức: thẩm duyệt thiết kế và cấp 72.493 Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC đối với 1.240 nhà cao tầng, 38.046 công trình dân dụng thấp tầng, 28.294 công trình công nghiệp, 4.127 công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan về PCCC, 786 phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC; kiểm tra nghiệm thu và cấp 44.696 văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC đối với 1.249 nhà cao tầng, 21.442 công trình dân dụng thấp tầng, 20.233 công trình công nghiệp, 1.198 công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan về PCCC, 574 phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC.
Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng độ thị và từ thực tiễn quá trình hội nhập phát triển của đất nước cho thấy, trong thời gian tới, nền kinh tế nước ta dự báo sẽ có những bước chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được các nguồn lực để tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hình thành và phát triển các hành lang, vành đai kinh tế và các cực tăng trưởng, có ý nghĩa đối với cả nước và liên kết trong khu vực. Theo đó, các khu kinh tế, khu đô thị, khu công nghiệp tập trung … sẽ tiếp tục được hình thành, mở rộng; các hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, các hoạt động đầu tư kinh doanh, dịch vụ… ngày càng phát triển đa dạng, từ đó nhu cầu xây dựng, phát triển nhà cao tầng, siêu cao tầng như khách sạn, chung cư cao tầng, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, tổ hợp nhà nhiều tầng, siêu cao tầng sẽ phát triển nhiều hơn về số lượng và đa dạng hơn về quy mô sử dụng. Từ đó, đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về PCCC nói chung, công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC nói riêng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình nhà siêu cao tầng và đây là một trong những nội dung quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Hình 1: Số lượng công trình được thẩm duyệt về PCCC theo từng loại hình trong 05 năm.
Hình 2: Số lượng công trình được nghiệm thu về PCCC theo từng loại hình trong 05 năm.
- Về kết quả đạt được trong công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC
– Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, trong đó có nhiều nội dung quan trọng được bổ sung, điều chỉnh về công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC;
– Chủ trì xây dựng và phối hợp với các Bộ, Ngành ban hành các thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các văn bản hướng dẫn địa phương liên quan đến công tác PCCC&CNCH;
– Bộ Công an thống nhất với Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương ký các quy chế phối hợp trong đó có nội dung phối hợp trong công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC;
– Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn công tác nghiệp vụ cho đối tượng là cán bộ trực tiếp thực hiện, chỉ huy đội và lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH của Công an 63 địa phương;
– Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an 63 địa phương đã chủ động tham mưu UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành nghị quyết của HĐND quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực theo quy định tại Điều 63a Luật Phòng cháy chữa cháy và triển khai chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Công an địa phương đã triển khai ký kết quy chế, kế hoạch phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Công Thương, Công ty điện lực…
- Tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC
– Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC được xây dựng và ban hành bởi nhiều Bộ, Ngành dẫn đến khi ban hành gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, thiếu nhiều về nội dung quy định cụ thể. Nhiều lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình, ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn quy định về PCCC.
– Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của chủ đầu tư chưa nghiêm, đặt nặng mục tiêu kinh tế, cắt giảm chi phí đầu tư cho PCCC;
– Năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công về PCCC còn yếu, chưa kịp thời cập nhật các quy định mới của tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ quan Cảnh sát PCCC phải hướng dẫn, giải thích những quy định cơ bản nhiều lần.
– Do chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm về PCCC còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
- Giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC
4.1. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy lĩnh vực đầu tư xây dựng
– Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực PCCC&CNCH.
– Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, Ngành tại trung ương và các Sở, Ban, Ngành tại đơn vị địa phương trong công tác đầu tư xây dựng. Tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề có sự tham gia của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành có liên quan để thống nhất thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng và PCCC có liên quan lĩnh vực quản lý nhà nước của các bên.
– Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 15/6/2015 và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; tập trung tham mưu triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội, Quyết định số 630/QĐ-TTg và quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Quyết định số 2231/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ “Quy hoạch quốc gia hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
– Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu ban hành quy định cưỡng chế khi không chấp hành các lỗi thi công khi chưa thẩm duyệt, nghiệm thu, chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ nhất là các chung cư cao tầng đưa dân vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC;
4.2. Nâng cao chất lượng công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư xây dựng
– Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC kết nối từ cấp Bộ đến Công an các địa phương.
– Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn nâng cao chất lượng công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đảm bảo theo quy định của pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC; kiểm tra việc thực hiện công tác nghiệp vụ và chỉ tiêu công tác PCCC&CNCH đối với Công an các địa phương.
– Kiện toàn mô hình tổ chức công tác thẩm duyệt thống nhất trên toàn quốc theo Thông báo số 47-TB/ĐUCA ngày 31/5/2021 của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương về chủ trương kiện toàn tổ chức, bộ máy, phân công phân cấp của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Xây dựng lộ trình, phương án đào tạo và phân công cán bộ bảo đảm lãnh đạo phòng, chỉ huy đội, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 82/2021/TT-BCA.
4.3. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án và giám sát thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, cơ quan phê duyệt quy hoạch, cơ quan phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng trong đầu tư, xây dựng công trình
– Đối với cơ quan phê duyệt quy hoạch, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng, công tác tuyên truyền tập trung vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức phối hợp trong việc bảo đảm yêu cầu PCCC trong đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật PCCC và pháp luật về đầu tư xây dựng.
– Tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông trong và ngoài ngành Công an phối hợp với lực lượng Công an, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, giám sát, thi công về PCCC trong hoạt động đầu tư xây dựng. Phối hợp với các đơn vị xây dựng, tư vấn, giám sát tổ chức hội thảo triển khai các quy định về quy hoạch, xây dựng và PCC cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế.
– Cần tuyên truyền, định hướng giúp chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án và giám sát thi công, đơn vị tư vấn thiết kế hiểu rõ được trách nhiệm, quyền lợi của mình trong quá trình thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với các dự án, công trình. Luôn linh hoạt, không cứng nhắc trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị liên quan, đặc biệt chủ động trong phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện bảo đảm an toàn PCCC ngay khi dự án còn trên bản vẽ thiết kế.
– Kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ, xử lý nghiêm công trình, dự án đang triển khai có vi phạm pháp luật về phòng cháy cho đến khi khắc phục hoàn toàn các sai phạm; chấm dứt tình trạng đưa cơ sở, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC; đặc biệt trường hợp chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào khai thác có thể xử lý hình sự, chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý./.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH