Ngày 02/9/1973, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội Phòng cháy chữa cháy – Sở Công an TP Hải Phòng vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc chiến chống giặc lửa nơi đất Cảng.
Tròn 50 năm sau, ngày 04/10/2023, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên sông thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hải Phòng một lần nữa vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này vì những nỗ lực vượt mọi khó khăn, nguy hiểm cứu hỏa nơi đầu sóng. Nửa thế kỷ, hai mốc son được tô thắm ở một đơn vị anh hùng…
Chặn đứng thảm họa
Cuộc chiến đấu chống giặc lửa bao nhiêu năm qua ở vùng đất Cảng Hải Phòng luôn căng thẳng, khốc liệt. Trong tâm thức của những người lính chữa cháy nơi đây luôn thường trực giây phút nghẹt thở giữa lằn ranh sinh tử, những hy sinh mất mát khó có thể đắp bù và cả niềm tự hào khi lập nên chiến công vang dội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, Công an TP Hải Phòng.
Ngay từ khi thành lập năm 1955, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức thực hiện nhiều phương án phòng và chữa cháy hiệu quả; dập tắt kịp thời nhiều vụ cháy từ cơ sở, cứu được nhiều tài sản của nhà nước, của nhân dân; giữ vững mạch máu giao thông vận tải. Vụ chữa cháy tại Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý, trận địa tên lửa ở xã An Hồng (huyện An Hải), kho đạn Tân Viên (huyện An Lão) vẫn để lại tiếng vang.
Cho tới bây giờ, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng vụ cháy tàu Alexander Grin (Liên Xô) lúc 21 giờ 30 phút ngày 05/8/1968 tại cảng biển Hải Phòng vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người dân nơi đây. Giữa vùng biển tối thẫm, con tàu như bó đuốc khổng lồ, cột khói bốc cao hàng chục mét. Với trọng tải 12.000 tấn, chở hơn 2.000 tấn phân đạm NHNO viện trợ cho Việt Nam, nếu tàu nổ tung sẽ là thảm họa biến 1/3 TP Hải Phòng thành vùng đổ nát và tràn ngập những đám mây khí độc.
Trong tình thế cực kì nguy hiểm đó, Đội PCCC thuộc Sở Công an TP Hải Phòng chỉ với 2 – 3 chiếc mặt nạ phòng độc và một số mặt nạ do thủy thủ tàu Liên Xô cung cấp vẫn bất chấp hiểm nguy leo lên boong tàu, hướng vòi rồng phun nước xối xả vào khoang chứa phân đạm đang bốc cháy. Với quyết tâm cứu tàu, cứu hàng, sau nhiều giờ chiến đấu liên tục, ai nấy đều đen sạm, tức ngực, khó thở vì hơi độc. Nhiều đồng chí bị nhiễm độc ngất đi, nhưng khi được cấp cứu tỉnh lại đã xông ngay lên tàu chữa cháy. Trong trận chiến đấu này, Tiểu đội trưởng Nguyễn Đình Thành và chiến sĩ Đỗ Duyên Thịnh thuộc Phân đội Chữa cháy trung tâm cùng 06 sĩ quan, thuyền viên Liên Xô bị hơi độc đã anh dũng hi sinh; 33 đồng chí khác bị nhiễm độc phải nằm bệnh viện điều trị.
Với những thành tích xuất sắc, năm 1973, Đội PCCC thuộc Sở Công an TP Hải Phòng đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Từ đó đến nay, Cảnh sát PCCC&CNCH Hải Phòng ngày càng khẳng định được bản lĩnh, năng lực chữa cháy trên biển. Vụ cháy tàu Shun Cheng (Đài Loan) ngày 30/9/2013, cháy tàu Contship ACE của Cộng hòa Sip tại cảng Nam Hải ngày 27/11/2015, cháy tàu Hải Hà 18 ngày 10/3/2018 và nhiều vụ hỏa hoạn, rò rỉ hóa chất khác đều được khống chế kịp thời. Mỗi vụ hỏa hoạn xảy ra là một tình huống cháy với tính chất, mức độ phức tạp khác nhau.
6 năm đã trôi qua, nhưng kí ức về vụ cháy tàu Hải An năm 2017 vẫn còn nóng rực trong tâm trí của Thượng tá Lê Đình Nam – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hải Phòng. 12 giờ 30 phút ngày 21/9/2017, tàu Hải An 16 thuộc Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Hoàng Phát chở gần 4 triệu lít xăng A92 từ Dung Quất về trả hàng tại biển Hải Phòng bùng cháy dữ dội do sự cố nổ buồng bơm, khiến 3 thuyền viên bị thương nặng và tử vong sau đó.
“Khi phần đáy tàu bị thủng, nước qua lỗ thủng nhanh chóng tràn vào khoang máy, cộng với một lượng xăng theo đường ống công nghệ trào ngược lại khu vực buồng máy khiến cho hỗn hợp xăng – nước dâng cao dần. Nồng độ hơi xăng luôn trong ngưỡng “nguy hiểm nổ”, gần 4 triệu lít xăng A92 có nguy cơ tràn ra sông gây ô nhiễm môi trường, gây cháy lan vào các tàu thuyền trên sông và các công trình, cơ sở hạ tầng thuộc khu vực cảng Đình Vũ, sẽ là thảm họa cho TP Hải Phòng”, Thượng tá Nam nhớ lại.
Tình thế nguy cấp, Thượng tá Lê Đình Nam lúc đó là Trưởng Phòng, Đại úy Phạm Văn Nam, Thượng úy Hoàng Văn Thám – lúc đó là hai Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông đã không chút đắn đo, cảm tử xuống tàu để thực hiện phương án loại trừ nguy cơ phóng tia lửa điện từ các ắc quy trong buồng máy. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ gây hậu quả vô cùng thảm khốc, tổ công tác có thể hy sinh bất cứ lúc nào.
Trong đêm tối, các đồng chí đã nhanh chóng xử lý toàn bộ các đầu nối ắc quy, loại trừ được nguy cơ phóng điện trong buồng máy, chặn đứng thảm họa cận kề. “Đêm ấy, giây phút xung phong xuống tàu vô hiệu hóa ắc quy, trong đầu anh nghĩ gì?”, Thượng tá Lê Đình Nam khẽ cười: “Tôi không nghĩ gì cả. Nếu nghĩ thì có lẽ tôi đã không xuống tàu, bởi lần xuống đó có thể là lần cuối cùng tôi còn được làm nhiệm vụ”.
Ngày 04/10 vừa qua, đúng Ngày Truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau nửa thế kỷ, thêm một dấu son được tô thắm, càng khẳng định năng lực, bản lĩnh, sự dấn thấn của lính cứu hỏa đất cảng vì bình yên cuộc sống người dân.
Sở hữu tàu chữa cháy hiện đại
Chúng tôi đã có mặt tại hai “đại bản doanh” của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông vào một ngày nắng gắt. Trụ sở chính ở số 1 Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng; còn Phân đội Chữa cháy và CNCH thủy bộ Lạch Huyện đóng tại bến tàu công vụ, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải. “Tuy đơn vị ở vị trí hẻo lánh, đi lại khó nhưng đều sát bờ sông, bờ biển, thuận tiện nhất cho công việc PCCC&CNCH”, Thiếu tá Hoàng Văn Thám – Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông chia sẻ với chúng tôi.
Đến bến tàu công vụ, thị trấn Cát Bà, chúng tôi hào hứng khi được tiếp cận tàu chữa cháy và CNCH Hải Phòng 01 “xịn xò”. Đây là loại tàu chữa cháy “khủng” với chiều dài lên tới 46,2m, chiều rộng 8,6m, chiều cao mạn 4,5m. Với nhiều tính năng và được trang bị công nghệ hiện đại, tàu có thể hoạt động liên tục 7 ngày đêm ngoài biển, được trang bị hệ thống súng phun nước, phun bọt cường độ áp lực mạnh, làm tăng khả năng chữa cháy khi có tình huống nguy cấp xảy ra. Được “sở hữu” tàu chữa cháy hiện đại là vinh dự, nhưng cũng là trọng trách lớn của lực lượng PCCC&CNCH Hải Phòng. Do đó, công tác vận hành, ứng trực được thực hiện nghiêm ngặt, sẵn sàng chiến đấu bất kể đêm ngày.
Đội trưởng Thám dí dỏm chia sẻ rằng, có người bảo lính chữa cháy trên sông, biển là sướng nhất, được tác nghiệp trong môi trường vừa thoáng, vừa mát. Mọi người đâu biết rằng khi tàu chạy thì gió thổi ù ù, nhưng dừng lại làm nhiệm vụ thì vô cùng oi bức và ngột ngạt khi hơi nóng từ mặt sông, mặt biển phả lên hầm hập. Không những thế, địa bàn sông biển nhiều luồng lạch, sóng to gió cả luôn tiềm ẩn những hiểm nguy không thể đoán định trước.
“Chữa cháy trên cạn có đặc điểm là tất cả trang thiết bị đều ở trạng thái tĩnh. Nhưng, tàu chữa cháy dưới nước thì không thể tĩnh vì chịu tác động của lực đẩy từ lăng phun, dòng chảy của nước và của gió. Do đó, việc điều khiển tàu chữa cháy “đứng yên” được cũng không hề đơn giản. Đó là đặc thù mà chúng tôi phải thích nghi và ứng phó thuần thục”, Đội phó Phạm Văn Nam – người dày dạn kinh nghiệm chữa cháy cả trên cạn và dưới nước đúc kết.
Không chỉ công tác PCCC, mà nhiệm vụ CNCH cũng luôn căng thẳng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng vụ việc CNCH liên quan đến đuối nước cũng đã có hơn chục vụ. Có đợt 3 ngày liên tiếp đều có vụ đuối nước, Đội phải huy động tối đa lực lượng tích cực tìm kiếm xác nạn nhân.
Đội đã tham gia tìm kiếm, CNCH vụ việc máy bay trực thăng VN-8650 rơi tại khu vực gần đảo Hòn Nét (khu vực vịnh Hạ Long) ngày 5/4/2023. Hai xuồng CNCH cùng 14 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ. Đơn vị đã tham mưu cho Ban Chỉ huy CNCH xây dựng kế hoạch, đưa ra các phương án tổ chức tìm kiếm. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã tìm được thi thể nạn nhân thứ ba là phi công Chu Quang Minh. Sáng hôm sau, thi thể nạn nhân thứ tư cũng được tìm thấy.
Tuy đã quen với nhiệm vụ đột xuất, nhưng liên quan đến tính mạng con người, phải chứng kiến cảnh đau thương, tang tóc, anh em ai cũng căng như dây đàn, mệt rã rời và tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề. Lính của Đội, ai cũng có “nghiệp vụ nước”, bơi và lặn xuất sắc. Càng xuống sâu, áp lực nước càng lớn, khó thở, tai ù đi và buốt nhói, thậm chí có thể bị chảy máu tai. Để thích nghi được, anh em phải thường xuyên luyện tập để có sức chịu đựng tốt hơn, bản lĩnh luôn vững vàng trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc./.
Huyền Châm