Nhiều vụ cháy xảy ra vào thời điểm đêm tối và rạng sáng, nhà dân bị cháy nằm trong các ngõ, hẻm… người dân đã tự triển khai được các bước chữa cháy tại chỗ ban đầu, tuy nhiên khi phát hiện cháy, lửa đã phát triển trên diện rộng; vị trí cháy nằm sâu trong ngõ, hẻm, khó tiếp cận gây cản trở cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chính vì vậy, để hạn chế tối đa khả xảy ra cháy, nổ, giảm thiệt hại về người và tài sản, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp, quy định an toàn PCCC tại hộ gia đình, như sau:
Xe chữa cháy khó tiếp cận các căn nhà cháy sâu trong ngõ, hẻm.
1) Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
2) Không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng; trường hợp đã lắp thì phải bố trí ô cửa chốt trong, chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dây tự cứu, mặt nạ phòng độc và dụng cụ phá dỡ… để thoát nạn khi cháy xảy ra.
3) Lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như đầu báo cháy tự động, camera, thiết bị cảnh báo cháy sớm, thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas; trang bị, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy xách tay, thang dây thoát hiểm, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy, nước, xô thùng múc nước, chăn chiên,… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
4) Duy trì bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất dễ cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện; thường xuyên, định kỳ kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và có biện pháp khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ.
5) Sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày, hạn chế khối lượng chất dễ cháy như xăng dầu, gas trong nhà ở.
6) Chủ động xây dựng, chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ 2, thứ 3 ngoài cửa chính) qua lô gia, ban công, cửa sổ, lối lên mái sang mái của nhà bên cạnh để thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp. Cửa đi ra ngoài nhà tại tầng 1 nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn.
7) Có quy định rõ, thông báo cho các thành viên trong gia đình nơi để chìa khóa, đèn pin, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng…) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.
8) Bố trí khu vực bếp, nơi đun nấu hợp lý. Cách xa khu vực kho để hàng hóa; sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt (tủ điện, ổ cắm điện) ít nhất 0,5m; không cản trở đường, lối thoát nạn.
9) Khi đun nấu, sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, phải có người trông coi; nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun xong phải khóa van bình gas trước, sau đó để lửa trên bếp cháy hết rồi mới tắt bếp.
10) Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vật liệu dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến trên bàn thờ; khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
11) Lắp đặt hệ thống điện và thiết bị điện trong nhà phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật an toàn PCCC, chống quá tải, chập mạch; chọn dây dẫn, cáp dẫn điện có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của các thiết bị điện; phải lắp thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện có công suất lớn; không câu mắc tùy tiện; không để hàng hóa, đồ dùng dễ cháy gần thiết bị tiêu thụ điện, bóng điện, ổ cắm, cầu dao. Lựa chọn thiết bị điện chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thường xuyên, định kỳ kiểm tra bảo dưỡng, phát hiện, sửa chữa thay thế thiết bị điện và mạng điện bị hư hỏng hoặc không bảo đảm an toàn.
12) Không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không nên sạc điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện qua đêm; trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải kiểm tra việc sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, tắt thiết bị điện không sử dụng (như: bình nóng lạnh, bình đun nước, bếp điện, máy giặt…).
13) Đặc biệt, không giao cho trẻ em thực hiện việc đốt vàng mã. Hạn chế giao trẻ nhỏ thực hiện việc dùng bếp lửa, bếp điện để đun nấu nhằm đề phòng hỏa hoạn và bị bỏng. Không giao cho trẻ sử dụng bàn là, lò vi sóng, lò sấy, các loại thiết bị sinh nhiệt khác, việc lơ là của trẻ có thể dẫn đến nguy cơ gây cháy lớn. Chủ động tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các lớp tập huấn rèn luyện kỹ năng sống, các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH do các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức.
14) Chủ động và vận động các thành viên trong gia đình, người dân xung quanh khu dân phố, tổ dân cư… tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC&CNCH để cập nhật các thông tin, quy định, biện pháp, điều kiện cũng như nghiệp vụ kỹ năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy; tham gia các buổi sinh hoạt, buổi tọa đàm tại khu dân cư, Tổ dân phố để được giải đáp thắc mắc, khó khăn nếu có khi thực hiện công tác đảm bảo an toàn PCCC tại hộ gia đình; tích cực tham gia các mô hình an toàn PCCC đã và đang được triển khai tại địa phương (Tổ Liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng…) để hỗ trợ nhau khi cần thiết, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra.
15) Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114, sử dụng App BAOCHAY 114, thông tin cho Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an quận hoặc Công an phường gần nhất. Đồng thời tổ chức chữa cháy và tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn./.
Theo Mai Hương (Công an TP Hà Nội)